Để các băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen kéo dài: Có hay không việc bảo kê?

08-05-2020 06:14 | Pháp luật
google news

SKĐS - Thời gian gần đây, nhiều băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen tại nhiều địa phương trên cả nước đã bị triệt phá, nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Cũng từ đây đặt ra những nghi vấn về việc có hay không tình trạng bảo kê, chống lưng cho các băng nhóm. Và rõ ràng, để những sự việc xảy ra kéo dài, cần đặt ra câu hỏi trách nhiệm đối với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.

Đã xác định được 30 nạn nhân của băng nhóm Loan “cá”

Mới đây nhất, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá băng nhóm chuyên hoạt động bảo kê, cho vay nặng lãi tại khu vực khu công nghiệp (KCN) Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Cơ quan công an đã bắt giữ 10 đối tượng, trong đó Lý Thị Loan (biệt danh Loan “cá”, SN 1981 ngụ tại phường Hóa An, TP. Biên Hòa) được xác định là kẻ cầm đầu. Theo điều tra ban đầu, băng nhóm này đã hoạt động bảo kê những người kinh doanh buôn bán nhỏ, cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê và ghi số đề tại khu vực vực quanh KCN Thạnh Phú. Tuy nhiên do sợ các đối tượng trả thù nên các nạn nhân không dám tố cáo tội phạm. Băng nhóm này hoạt động có tổ chức và rất tinh vi khi chúng thay đổi vị trí liên tục và Loan “cá” thường xuyên chỉ đạo các đối tượng qua điện thoại từ xa. Hàng ngày, Loan phân công các đối tượng đi thu tiền “xâu” từ những tiểu thương buôn bán quanh khu vực KCN Thạnh Phú. Tùy theo người bán loại mặt hàng gì và vị trí đắc địa hay không thì Loan tự ra giá thu tiền. Những trường hợp không chịu đóng tiền bảo kê hoặc cố tình dây dưa chây ỳ thì chúng cho các đối tượng dùng vũ lực đánh người, đập phá hàng hóa và không cho kinh doanh buôn bán.

Khám xét nơi ở của các đối tượng, công an thu giữ gần 300 triệu đồng trong đó có rất nhiều cục tiền lẻ mệnh giá 1.000, 2.000, 5.000, 10.000 đồng là tiền chúng mới cưỡng đoạt từ những người buôn bán rau, củ quả, tôm, cá... Bên cạnh đó công an cũng đã thu giữ nhiều cuốn sổ ghi số tiền thu hàng ngày của hàng trăm người dân buôn bán, sổ ghi cho vay nặng lãi, sổ ghi tiền đòi nợ thuê và sổ ghi đề. Bước đầu công an xác định đã có trên 30 người là nạn nhân bị các đối tượng cưỡng đoạt tài sản thu tiền “xâu” hàng tháng với số tiền từ 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Để các băng nhóm hoạt động kiểu xã hội đen kéo dàiCác đối tượng trong băng nhóm bảo kê Loan “cá” bị bắt giữ.

Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện vụ án đang được tiếp tục điều tra, đồng thời sẽ xem xét trách nhiệm của trưởng Công an huyện Vĩnh Cửu và Công an xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu) để băng nhóm này hoạt động trong một thời gian dài mà không đấu tranh, xử lý. Đồng thời, làm rõ có hay không sự bao che cho hoạt động bảo kê buôn bán tại KCN Thạnh Phú.

Có hay không tình trạng bảo kê, chống lưng cho các băng nhóm?

Trước đó, một băng nhóm hoạt động theo kiểu xã hội đen ở tỉnh Thái Bình do Đường “Nhuệ” cầm đầu bị triệt phá đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang nhận định, băng nhóm của Đường “Nhuệ” là băng nhóm tội phạm tổ chức, núp dưới danh nghĩa doanh nghiệp, che mắt là doanh nhân thành đạt có nhiều hoạt động thiện nguyện. Phương thức hoạt động của băng nhóm này rất tinh vi, lợi dụng là doanh nghiệp và rất xảo quyệt, thủ đoạn để đối phó cơ quan chức năng. Trước câu hỏi về việc có hay không tình trạng bảo kê, chống lưng cho băng nhóm Đường “Nhuệ” hoạt động, Trung tướng Lương Tam Quang nhấn mạnh, tất cả những nghi vấn về có hay không tình trạng bảo kê, chống lưng cho vợ chồng Đường - Dương hoạt động đều được xử lý theo đúng vi phạm của pháp luật và cần có chứng cứ chứng minh cụ thể. Bộ Công an đang chỉ đạo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình khẩn trương điều tra, mở rộng vụ việc một cách hết sức khách quan, công tâm, đúng pháp luật và với quan điểm xem xét toàn diện. Vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó, làm triệt để, không có vùng cấm và không bỏ lọt tội phạm.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, thực tế thời gian qua, tại một số địa phương có hiện tượng, có những cá nhân, tổ chức núp danh tổ chức kinh tế, hoạt động mang tính chất xã hội đen. Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an từng nêu vấn đề này và có nhận xét, đánh giá đây là vấn đề mới trong đấu tranh phòng chống tội phạm. Nhưng rõ ràng, để một sự việc xảy ra kéo dài, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý Nhà nước mà liên quan đến hoạt động tội phạm trực tiếp là cơ quan công an. Thông qua một số vụ án vừa xảy ra ở một số địa phương như vụ đánh bạc ở Phú Thọ, tình trạng tội phạm ở Đồng Nai, rõ ràng có dấu hiệu của sự làm ngơ, có thể có sự tiếp tay cho những dạng tội phạm như Đường “Nhuệ”. Việc khẳng định có hay không chuyện làm ngơ, bảo kê, né tránh của cơ quan pháp luật thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra để khẳng định có hay không thế lực chống lưng cho Đường “Nhuệ”. Tuy nhiên, hầu như các vụ án vừa qua được điều tra, xét xử rõ ràng có sự làm ngơ, bỏ qua, bỏ lọt tội phạm, không quyết liệt trong đấu tranh phòng chống tội phạm, không giải quyết một cách triệt để, quyết liệt những vấn đề mang tính bức xúc mà người dân phản ánh, tố cáo.


Kiến Hưng
Ý kiến của bạn