BS. Nguyễn Tuấn Sơn - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, khi nhập viện, bệnh nhân B.T.Th được chụp động mạch vành, phát hiện hẹp khít đoạn đầu động mạch liên thất trước. Các bác sĩ nhanh chóng can thiệp kịp thời, đặt 1 stent qua đoạn hẹp, sau đặt bệnh nhân ra viện ổn định. Được biết, ông Th. có tiền sử hút thuốc lá khoảng 25 năm.
Bệnh động mạch vành là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh động mạch vành là bệnh của động mạch nuôi dưỡng tim, nguyên nhân do các mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc lòng mạch, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim, dẫn đến cơ tim bị tổn thương, gây ra triệu chứng là các cơn đau thắt ngực. Bệnh còn có tên gọi khác là bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh tim do xơ vữa động mạch vành…
Nguyên nhân dẫn đến bệnh động mạch vành: do tuổi tác, giới tính, nam giới là đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn nữ. Nguy cơ bệnh mạch vành sẽ cao hơn đối với người có bố mẹ, ông bà hay anh chị mắc các tai biến về tim mạch ở độ tuổi dưới 55 với nam và dưới 65 với nữ. Những người mắc bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… dễ mắc bệnh mạch vành.
Bên cạnh đó, những người thường xuyên ngồi một chỗ, không thường xuyên luyện tập sẽ có nguy cơ cao mắc. Những người có thói quen hút thuốc, nghiện rượu cũng là nguyên nhân quan trọng gây thiếu máu cục bộ cơ tim và làm xuất hiện những cơn đau thắt ngực.
Nguy cơ cao và triệu chứng mắc bệnh động mạch vành
Khi bị mắc bệnh động mạch vành, bệnh nhân thường thấy:
- Đau sau xương ức hay vùng giữa ngực, cảm giác bị bóp nghẹt như có vật nặng đè lên ngực. Đau có thể lan lên cổ, xương hàm, vai trái hay tay trái.
- Cơn đau xuất hiện hoặc tăng lên khi gắng sức, giảm hơn khi nghỉ hoặc dùng thuốc giãn mạch vành.
- Vã mồ hôi, khó thở, buồn nôn, nôn.
Những người có nguy cơ mắc bệnh động mạch vành:
- Người hút thuốc, ít hoạt động thể chất, thừa cân, thể trạng béo.
- Người có các bệnh lý: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính, tăng mỡ máu.
Khi mắc bệnh lý động mạch vành, bạn cần:
- Từ bỏ các thói quen không tốt: hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia nhiều…
- Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: hạn chế đồ mỡ, tinh bộ, ăn nhiều rau xanh…
- Tập thể dục: tập thường xuyên và phù hợp với sức khỏe của bạn. Nếu cần có thể tư vấn bác sĩ để đánh giá và có bài tập phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
- Kiểm soát cân nặng: tránh thừa cân, quá béo, duy trì BMI < 25.
- Theo dõi, kiểm tra định kỳ, điều trị và kiểm soát các bệnh nền theo hướng dẫn
- Tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân, tìm hiểu về các bệnh lý đang mắc để cùng phối hợp với nhân viên y tế giúp tập luyện và điều trị hiệu quả hơn.
Biến chứng và cách hạn chế mắc bệnh động mạch vành
- Biến chứng
Nhồi máu cơ tim: Làm một phần cơ tim bị hủy hoại nhanh chóng gây nhiều biến chứng nguy hiểm như các rối loạn nhịp tim nặng, hở van tim cấp tính, thủng vách tim, vỡ tim, suy tim cấp, phù phổi, suy hô hấp và tử vong.
Suy tim: Do cơ tim bị thiếu máu lâu ngày dẫn đến tim suy yếu, không đảm bảo khả năng bơm máu cho cơ thể
Rối loạn nhịp tim, đột tử: Do thiếu máu hoặc sẹo cơ tim sau nhồi máu hình thành các ổ gây loạn nhịp tim, nặng có thể ngừng tim đột ngột và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
- Cách hạn chế mắc bệnh động mạch vành
Việc phát hiện sớm các triệu chứng của bệnh mạch vành sẽ hỗ trợ rất nhiều trong việc điều trị, hạn chế các biến chứng khó lường của bệnh và giảm nguy cơ tử vong, cải thiện chất lượng sống cho người bệnh. Ngoài việc dùng thuốc, người bệnh cần tuân thủ:
- Bỏ thuốc lá, hạn chế sử dụng rượu bia
- Tái khám và điều chỉnh thuốc định kỳ theo hướng dẫn.
- Duy trì chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện dưới hướng dẫn của bác sĩ.
- Luyện tập thể dục thể thao nhàng thường xuyên ít nhất 30 phút mỗi ngày.
- Kiểm soát cân nặng.
- Thư giãn, nghỉ ngơi và tránh căng thẳng kéo dài.
- Theo dõi thường xuyên và điều trị các bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu.
Xem thêm video được quan tâm:
Biến Chứng Của Bệnh Viêm Da Cơ Địa | SKĐS