Người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ ngay tại phòng khám cấp cứu
Từ những thực trạng và nguyên nhân về an ninh bệnh viện (BV) như đã nêu ở số báo 175, ra ngày 2/11, phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi lại ý kiến của những nhà quản lý cũng như các thầy thuốc tại một số BV về hướng giải quyết vấn đề này.
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh Bộ Y tế: Triển khai nhiều hoạt động đảm bảo an ninh ở các cơ sở y tế
Để bảo đảm tốt vấn đề an ninh BV, Bộ Y tế triển khai và thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 13/12/2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Chuyên nghiệp hóa lực lượng bảo vệ và tăng cường giáo dục; Ban hành Thông tư 07/2014/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về Quy tắc ứng xử của công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở y tế, đồng thời kết hợp với công đoàn phát động phong trào đổi mới tinh thần, thái độ phục vụ của cán bộ y tế; Nâng cao chất lượng dịch vụ BV để đáp ứng sự hài lòng của người bệnh; Nâng cao trình độ chuyên môn, theo dõi, quản lý, giám sát các sự cố y khoa; Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của Khoa Khám bệnh theo Quyết định 1313/QĐ-BYT về cải tiến quy trình khám bệnh tại BV; Thực hiện các giải pháp giảm quá tải BV; Thực hiện tốt Chỉ thị 09 về Đường dây nóng trong BV, thực hiện Hộp thư góp ý...
PGS.TS. Nguyễn Xuân Hùng - Trưởng khoa Khám bệnh, BV Việt Đức: Cần có khu cách ly riêng biệt người nhà và bệnh nhân
Khi bạo hành xảy ra ở BV, người bệnh sẽ chịu thiệt thòi đầu tiên. Tình hình trật tự bất an, náo loạn sẽ khiến thầy thuốc không thể bình tĩnh tập trung chuyên môn cứu người hoặc thậm chí phải bỏ chạy để phòng vệ.
Hiện nay, tại tất cả các BV trong nước đều chưa có thiết kế riêng chuyên biệt đảm bảo an ninh BV. Trên thế giới, nhiều nơi đã áp dụng thiết kế tại các khoa cấp cứu của BV có đường đi riêng dành cho người nhà bệnh nhân và thầy thuốc. Bởi thực tế nhiều trường hợp, bệnh nhân đưa vào cấp cứu, người nhà cứ thấy áo trắng, cho đó là bác sĩ và phải có trách nhiệm trả lời tất cả các câu hỏi về sức khỏe bệnh nhân. Tuy nhiên, bác sĩ đó đang cấp cứu cho một ca khác nguy kịch hơn nên không thể trả lời những câu hỏi của người nhà. Vậy là vội kết luận, thái độ của bác sĩ không chấp nhận nổi, dẫn đến xung đột và xông vào hành hung bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Phó trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương:
Cần xây dựng khuôn khổ pháp lý mạnh hơn để bảo vệ người thầy thuốc
Ở nước ta tuy cũng đã có Luật Khám chữa bệnh nhưng hiện nay còn quá nhiều lỗ hổng, chưa đủ sức mạnh để bảo vệ người thầy thuốc. Điều 35 đã ghi nhận “Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề”, cán bộ y tế phải được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể... khi khám chữa bệnh. Mặt khác, trong 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện đã có mục đánh giá về an ninh, trật tự và an toàn cháy nổ ở các mức độ khác nhau. Tuy nhiên, luật mới chỉ nêu lên còn các văn bản hướng dẫn chưa quy định rõ hình thức phải bảo vệ người thầy thuốc như thế nào khi bị đe dọa, hành hung...
Trên thế giới, việc luật hóa hoạt động khám và điều trị bệnh là rất cần thiết. Luật được xây dựng theo hướng quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của người thầy thuốc, những ràng buộc về mặt đạo đức trong khi hành nghề. Ngược lại, luật cũng tạo ra một hành lang pháp lý an toàn nhằm bảo vệ cho người thầy thuốc tránh được những áp lực của xã hội và những hành vi quá khích của bệnh nhân hay thân nhân bệnh nhân.
Ông Nguyễn Ngọc Thực - Điều dưỡng trưởng Khoa Khám bệnh, BV Việt Đức:
Đảm bảo sự công bằng, tạo niềm tin ở người bệnh
Việc ký kết giữa BV và cơ quan công an 2 năm nay đã có hiệu quả. Ở ngay cổng BV Việt Đức luôn có 3 cán bộ công an đứng 24/24 giờ. Đó là vị trí phức tạp nhất, ngăn chặn nhiều sự hỗn độn. Chỉ cần nhìn thấy bóng dáng công an, người bệnh có cảm giác tin cậy và những kẻ xấu, côn đồ sẽ chùn bước trước khi hành động.
Để tránh tình trạng ăn cắp, móc túi, “cò” BV, BV Việt Đức có kèm theo cả một phiếu thông báo về tình hình an ninh trật tự của BV trong bệnh án để người nhà và bệnh nhân nắm được, tránh mắc phải lừa đảo và nếu thấy có hiện tượng bị trộm cắp, lừa đảo thì liên hệ với những bàn hướng dẫn sẽ có thông tin chính xác. Vì vậy, chuyện lừa đảo ở BV Việt Đức gần như không có trong những năm gần đây.
Bên cạnh đó, BV thực hiện đón bệnh nhân từ xe cáng để bệnh nhân và người nhà cảm nhận được sự quan tâm, tin cậy, đặc biệt, làm tốt việc phân loại bệnh nhân theo mức độ nặng, nhẹ ngay ban đầu. Phân loại bệnh nhân thành 3 nhóm: nặng, rất nặng, chưa cần kíp và đưa vào các phòng theo dõi khác nhau.
BS. Phan Thảo Nguyên - Trung tâm Tim mạch, BV E Trung ương:
Quan tâm hơn nữa chế độ đãi ngộ với người thầy thuốc
Thường những vụ xô xát, hành hung bác sĩ hay xảy ra vào ban đêm, khi người thầy thuốc cũng mệt mỏi và là thời điểm nhiều áp lực quá tải. Do vậy, người thầy thuốc chỉ mới chăm sóc bệnh nhân về mặt thể chất chứ chưa chăm sóc được bệnh nhân về tinh thần, chưa giải thích được cặn kẽ để bệnh nhân hiểu về bệnh tật của họ và dễ dẫn tới bức xúc cho cả hai phía. Để giải quyết vấn đề mất an ninh BV, cần giảm quá tải BV; Cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh để đảm bảo sự hài lòng của người bệnh.
Hiện chế độ cho những người thầy thuốc vẫn còn thấp so với công sức bỏ ra. Với y, bác sĩ, để đứng một ca mổ 5, 7 tiếng, chế độ hiện nay chỉ được có 150 ngàn đồng. Những ca phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật cao như ghép tạng, người phẫu thuật viên chính cũng chỉ được 350 ngàn đồng. Thiết nghĩ, một chế độ đãi ngộ xứng đáng cho thầy thuốc rất cần được thay đổi, quan tâm hơn nữa.
Bộ Y tế yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự tại các BV
Ngày 3/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã ký Công văn số 8452/BYT-VPB1 gửi các BV trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại các BV.
Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các Đơn vị tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ như: Tiếp tục triển khai thực hiện các nội dung tại Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT giữa Bộ Công an và Bộ Y tế về công tác đảm bảo an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với công an tỉnh/thành phố, công an quận, huyện trên địa bàn đảm bảo an ninh, trật tự trong BV, tăng cường đề cao cảnh giác, phát hiện các đối tượng gây rối tại các khu vực cấp cứu, KCB. Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cán bộ nhân viên y tế.
Các BV cần phối hợp với công an địa phương tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ tại các BV, tăng cường chế độ trực ban trực chiến, ngăn chặn kịp thời các hành vi đe dọa tấn công cán bộ y tế và người dân đến KCB tại các BV. Ngoài ra, các BV cũng cần trao đổi, thống nhất với công an địa phương tăng cường lực lượng công an, bảo vệ khu vực lân cận BV và xây dựng Kế hoạch, phương án phối hợp trong trường hợp có vụ việc xảy ra.
Thanh Loan