Thủ tướng đã chỉ đạo 5 thành phố trực thuộc Trung ương trong đó có TP HCM, ngoài việc kiểm soát và điều tiết hợp lý phương tiện vào khu trung tâm còn phải tập trung triển khai đề án thí điểm cung cấp xe đạp công cộng. Đề án này nhằm giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn trong giai đoạn 2013-2015.
Phát biểu tại tọa đàm "Đi xe đạp ở TP HCM" ngày 25/4, ông Trịnh Đình Đức, Trưởng phòng vận tải Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, Sở đang triển khai quy hoạch phát triển cung cấp dịch vụ xe đạp công cộng, lấy ý kiến các cơ quan ban ngành liên quan để xây dựng đề án.
Theo ông Đức, xe đạp là một trong những phương tiện giao thông sạch, tốt cho môi trường và có lợi cho sức khỏe người sử dụng. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là với thực trạng giao thông, cơ cấu tổ chức đô thị cũng như hoạt động của xe buýt, ý thức dân cư, sự bất tiện trong lưu thông, bảo quản tại TP HCM hiện nay, việc đi xe đạp có phù hợp?
Ông Võ Kim Cương, Hội Quy hoạch TP HCM, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch TP HCM cho rằng xe đạp di chuyển với tốc độ chậm, lại tốn nhiều sức nên không thể đi xa. Vì vậy muốn đề án khả thi, cần sớm có tiến trình dài hạn, kết hợp một cách hợp lý giữa xe đạp và các tuyến phương tiện giao thông công cộng. Những vấn đề phải tính tới như khu vực nào sẽ ưu tiên xe đạp, đảm bảo chỗ gửi xe đạp thuận lợi ở gần các bến xe buýt, các điểm tập trung dân cư đông. Chỉ khi triển khai tốt dự án này thì trong tương lai mới có thể tiến tới phương án cấm xe máy lưu thông ở khu vực trung tâm.
Hầu hết chuyên gia bày tỏ sự lo ngại về những vướng mắc lớn cần giải quyết nếu muốn tổ chức đi xe đạp đại trà ở thành phố.
Ông Trịnh Văn Chính, Trưởng Bộ môn Quy hoạch giao thông, ĐH Giao thông Vận tải TP HCM cho rằng, sử dụng xe đạp làm phương tiện giao thông công cộng các nước trên thế giới đã thực hiện nhiều năm qua. Việt Nam mới triển khai nhưng chưa thực hiện được do nhiều trở ngại từ các yếu tố như thời tiết khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng xe máy của người dân đã được duy trì quá lâu.
Theo ông Chính, bên cạnh việc quy hoạch giao thông thuận lợi, có làn đường dành riêng cho xe đạp thì để thực hiện được chủ trương này cần phải vận động người dân biết rõ lợi ích của việc sử dụng xe đạp. Phải khảo sát và đưa ra kế hoạch cụ thể, thật chi tiết từng nhóm dân cư nào có khả năng áp dụng được. Trước hết, có thể nhằm vào các khu vực trường đại học, các khu công nghiệp...
Trong khi đó, ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó giám đốc Phòng tiếp thị 2, Công ty TNHH Phú Mỹ Hưng lại cho rằng, xe cộ trong thành phố rất đông, nếu triển khai sử dụng xe đạp sẽ rất khó vì không có bến bãi. Nên chọn những khu dân cư cao cấp làm nơi thực hiện thì sẽ khả thi hơn. Phú Mỹ Hưng là một ví dụ điển hình bởi được xây dựng theo hình bàn cờ, giao thông có sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, đáp ứng được việc đi xe đạp. Thời gian tới Phú Mỹ Hưng xem xét và có phương án cụ thể, trước khi thực hiện sẽ lấy ý kiến người dân trong khu vực.
Theo VnExpress