Tháng 3/2015, Bộ Y tế đã ký quyết định ban hành Đề án Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai (PTTT) và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ)/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020 (Đề án 818). Trong điều kiện ngân sách nhà nước cho KHHGĐ bị cắt giảm, nhu cầu tránh thai của người dân vẫn tăng, thì xã hội hóa được xác định là xu thế tất yếu của nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, xã hội hóa cũng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.
Một lớp bế giảng khóa đào tạo phương tiện tránh thai cho cán bộ y tế xã tại Cao Bằng.
Đề án cũng nêu rõ, việc xã hội hóa này vừa đảm bảo cung ứng PTTT, vừa phải đảm bảo dịch vụ KHHGĐ, trong đó có dịch vụ đặt/tháo dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) - một dịch vụ chiếm tỷ lệ cao nhất trong số các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đang cung cấp tại các trạm y tế xã.
Mặc dù là dịch vụ có nhu cầu cao, tuy nhiên, theo khảo sát mới nhất của Tổ chức phi chính phủ Marie Stopes International tại Việt Nam (MSIVN) thực hiện tại 34 tỉnh, thành phố cho thấy, điều kiện về nhân lực, điều kiện hành nghề, kỹ thuật đặt/tháo dụng cụ tử cung (DCTC) tại tuyến xã đang khá bất cập. Trong 6.584 trạm y tế xã, có 2.409 trạm chưa đạt chuẩn Quốc gia. Trong số 7.083 nữ hộ sinh, có tới 5.939 nữ hộ sinh chưa được cấp chứng chỉ đặt DCTC (chiếm 84%).
Những con số bước đầu cho thấy, nhu cầu được đào tạo, cấp chứng chỉ hành nghề, thực hiện đặt DCTC tại tuyến cơ sở rất cần thiết. Theo đó, đầu tháng 5/2015, Trung tâm Sức khỏe sinh sản cộng đồng (VNCRH), MSIVN phối hợp với Sở Y tế Cao Bằng tổ chức Khóa đào tạo, cấp chứng chỉ đặt dụng cụ tử cung cho 29 cán bộ y tế tuyến xã, 2 cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ. Trong đó, Sở Y tế Cao Bằng giao Chi cục DS-KHHGĐ, Trường trung học Y tế Cao Bằng phối hợp thực hiện. VNCRH và MSIVN hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật.
Trong 3 tháng, từ tháng 5-8/2015, 31 học viên đã được các giảng viên của Trường trung học Y tế tỉnh Cao Bằng cùng giảng viên của MSIVN truyền giảng bằng phương pháp tích cực, với các nội dung như: Tư vấn KHHGĐ; Cập nhật kỹ thuật đặt DCTC; Kiểm soát nhiễm khuẩn; Áp dụng các phương pháp vô khuẩn trong chăm sóc sức khỏe sinh sản tại cộng đồng; Giới thiệu, thực hành tư vấn các biện pháp tránh thai; Thực hành kỹ thuật đặt DCTC tại trạm y tế xã. Các giảng viên “cầm tay chỉ việc”, đóng vai, xử lý tình huống, làm thao tác mẫu trên mô hình, hướng dẫn kỹ thuật đặt DCTC, chia nhóm thực hành thực tế. Thực sự đây là phương pháp phù hợp với các nữ hộ sinh, y sĩ chưa được cấp chứng chỉ.
Tại buổi bế giảng và trao chứng chỉ khóa đào tạo đặt DCTC vào đầu tháng 9 vừa qua, chị Đinh Thị Việt, cán bộ Trạm y tế xã Tiến Thành, huyện Phục Hòa, Cao Bằng - một học viên khóa đào tạo chia sẻ: “Được đào tạo, cấp chứng chỉ, chúng tôi tự tin hơn khi tư vấn, chủ động hơn khi xuống xã hỗ trợ cán bộ y tế xã đặt DCTC. Người dân cũng sẽ được cung cấp dịch vụ KHHGĐ, đặt DCTC ngay tại xã mà không cần lên huyện hay sang xã khác”.
Theo bà Lục Thị Thắng, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Cao Bằng, lớp học này đã được tỉnh mong đợi từ lâu, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho việc cung cấp PTTT giảm dần từng năm thì mọi sự hỗ trợ đều rất quý báu. Hiện Cao Bằng vẫn còn tới 80 cơ sở y tế tuyến xã cần được đào tạo. Cũng theo bà Thắng, ngoài việc đảm bảo nguồn “đầu vào” là PTTT thì cán bộ y tế, dân số cấp xã cũng cần phải được tập huấn, nâng cao năng lực, cấp chứng chỉ hành nghề, để có “đầu ra” thuận lợi. Làm được điều đó, chúng ta vừa sử dụng nhân lực hiệu quả, bền vững, tiết kiệm cho người dân, giúp họ được tiếp cận, cung cấp an toàn, đầy đủ, kịp thời các dịch vụ KHHGĐ/SKSS.
Được biết, trong năm 2015, MSIVN, VNCRH đã và đang tổ chức đào tạo, cập nhật cho 1.200 nữ hộ sinh tại 30 tỉnh về kỹ thuật đặt DCTC, với sự phối hợp, chỉ đạo, theo dõi của Tổng cục DS-KHHGĐ. Hoạt động này nhằm mục tiêu góp phần đưa dịch vụ KHHGĐ sẵn sàng, thuận tiện tại các trạm y tế xã để người dân tiếp cận theo chủ trương của Đề án 818.
Phương Anh