Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở ở Nam Định đạt được những thành tựu gì?

07-10-2024 18:26 | Y tế
google news

SKĐS - Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư, thời gian qua, chất lượng đội ngũ cán bộ hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh Nam Định có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Toàn tỉnh Nam Định có 10 bệnh viện tuyến tỉnh

Theo tìm hiểu của PV Báo Sức khỏe và Đời sống, toàn tỉnh Nam Định hiện có 10 bệnh viện tuyến tỉnh gồm: 1 bệnh viện đa khoa, 9 bệnh viện chuyên khoa. Trong đó, 1 bệnh viện hạng I, 4 bệnh viện hạng II, 5 bệnh viện hạng III. Tại các bệnh viện, các chuyên khoa sâu được thành lập như: Ngoại (chấn thương, thần kinh, tiết niệu), Nội (tim mạch, tiêu hóa, hô hấp), Chẩn đoán hình ảnh và các chuyên ngành về Sản, Nhi, Tâm thần, Lao, Y học cổ truyền, Phục hồi chức năng, Vật lý trị liệu, Nội tiết, Ung bướu,...

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Nam Định, tổng số nhân lực tại các bệnh viện tuyến tỉnh 1.174 người, có 355 bác sĩ (184 bác sĩ có trình độ sau đại học, chiếm tỷ lệ 52%), 26 dược sĩ đại học, sau đại học, 538 điều dưỡng, 49 hộ sinh, 51 kỹ thuật viên y, còn lại là các chuyên ngành khác.

Về nhân lực tại các cơ sở y tế tuyến huyện, thành phố, theo quyết định số 2406/QĐ-UBND ngày 30/11/2023 của UBND tỉnh, từ ngày 1/1/2024 chuyển Trung tâm Y tế cấp huyện trực thuộc Sở Y tế quản lý, về trực thuộc UBND các huyện, thành phố quản lý. Hệ thống mạng lưới y tế tuyến huyện gồm: 1 bệnh viện đa khoa xếp hạng II (Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu), 9 TTYT xếp hạng III. Tổng số nhân lực y tế tuyến huyện, xã là 1.219 người, trong đó 346 bác sĩ (109 bác sĩ có trình độ sau đại học), 95 y sĩ, 39 dược sĩ đại học, sau đại học, 428 điều dưỡng, 90 hộ sinh, 43 kỹ thuật viên y, còn lại là các chuyên ngành khác.

Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở ở Nam Định đạt được những thành tựu gì?- Ảnh 1.

Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Nam Định, tổng số nhân lực tại các bệnh viện tuyến tỉnh 1.174 người, có 355 bác sĩ (184 bác sĩ có trình độ sau đại học, chiếm tỷ lệ 52%), 26 dược sĩ đại học, sau đại học, 538 điều dưỡng, 49 hộ sinh, 51 kỹ thuật viên y, còn lại là các chuyên ngành khác.

Do đặc điểm, tính chất hoạt động của bộ phận khám bệnh, chữa bệnh tại TTYT chủ yếu là được phân theo hệ Nội - Nhi, Ngoại - Sản, các chuyên khoa khác chưa thật sự phát triển (do thiếu nhân lực đào tạo chuyên sâu, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đầy đủ). Ngoài ra, quy định phân cấp về công tác tổ chức cán bộ cho các đơn vị tự chủ chi thường xuyên đã đưa số bác sĩ sau đại học, có chuyên ngành sâu, hoặc đã được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật mới chuyển công tác về làm việc tại các bệnh viện tuyến tỉnh ngày càng tăng, gây khó khăn trong việc ổn định nhân lực để thành lập các chuyên khoa tại tuyến huyện, tuyến xã.

Liên kết bệnh viện tuyến TW đào tạo nâng cao

Thông tin với báo chí, ông Trần Trung Kiên, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Sở Y tế Nam Định chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở; tham mưu UBND tỉnh Nam Định ký kết hợp tác phát triển toàn diện ngành Y tế với Bệnh viện Bạch Mai giai đoạn 2023-2028.

Sở Y tế Nam Định phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai tổ chức khóa đào tạo "Cập nhật chẩn đoán, điều trị người bệnh hồi sức cấp cứu" cho 50 bác sĩ công tác tại các cơ sở y tế trực thuộc Sở; tổ chức 11 lớp đào tạo về hồi sức cấp cứu thông thường với tổng số hơn 1.300 học viên; cử 5 người đi đào tạo trình độ CKII, 21 người đi đào tạo trình độ CKI, 8 người đi đào tạo trình độ thạc sĩ, 12 người đi đào tạo trình độ đại học.

Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở ở Nam Định đạt được những thành tựu gì?- Ảnh 2.

Toàn tỉnh Nam Định đã có 8 bệnh viện và 8 TTYT huyện, thành phố được UBND tỉnh giao triển khai phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên.

Ngoài ra, TTYT các huyện, thành phố cử 250 - 300 lượt cán bộ chuyên môn xuống các trạm y tế xã, phường, thị trấn chuyển giao kỹ thuật lâm sàng; giúp các trạm y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh (KCB) theo quy định. Chất lượng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tại cơ sở ngày càng được nâng lên; các trạm y tế cấp xã thực hiện được tối thiểu 60% danh mục kỹ thuật của tuyến xã; 100% trạm y tế xã, thị trấn có nữ hộ sinh trình độ trung cấp trở lên, đảm nhận công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mạng lưới y học cổ truyền tại trạm y tế được củng cố; khám, chữa bệnh bằng phương pháp Đông y không sử dụng thuốc đạt trên 20% tổng số ca; có 98,7% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đạt tiêu chí Quốc gia về y tế.

Đến nay, toàn tỉnh Nam Định đã có 8 bệnh viện và 8 TTYT huyện, thành phố được UBND tỉnh giao triển khai phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính mức độ tự bảo đảm chi thường xuyên. Các cơ sở gồm: Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Phổi và tất cả các TTYT huyện, thành phố.

Theo Giám đốc Sở Y tế Nam Định, thực hiện công tác xã hội hóa, một số đơn vị sự nghiệp được giao quyền tự chủ về tài chính đã từng bước huy động vốn để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động dịch vụ khám, chữa bệnh. Một số đơn vị thực hiện liên kết theo hình thức bên liên kết đặt máy móc, trang thiết bị tại bệnh viện phục vụ công tác khám, chữa bệnh; số tiền thu được từ hoạt động dịch vụ này trừ chi phí trực tiếp và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, số còn lại phân chia theo tỷ lệ xây dựng trong đề án bổ sung nguồn kinh phí hoạt động.

Các đơn vị áp dụng mô hình này như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định liên kết hoạt động máy siêu âm màu, máy X quang, máy xét nghiệm; TTYT huyện Trực Ninh liên kết đặt máy siêu màu 4 chiều; TTYT huyện Nghĩa Hưng đặt máy siêu âm, máy X quang, máy xét nghiệm sinh hóa và máy nội soi; Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu liên kết đặt máy X quang kỹ thuật số, Máy chụp CT Scanner 1 dãy và máy siêu màu; TTYT huyện Ý Yên liên kết đặt máy X quang CR; TTYT huyện Xuân Trường góp vốn mua Máy siêu Dopper màu 4D; TTYT huyện Giao Thủy tham gia liên doanh, liên kết hệ thống X quang kỹ thuật số CR.

Đề án nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở ở Nam Định đạt được những thành tựu gì?- Ảnh 3.

Hình ảnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định tổ chức Hội thi tay nghề điều dưỡng chào mừng 61 năm Ngày Bác Hồ về thăm bệnh viện (21/5/1963-21/5/2024) và 120 năm Thành lập Bệnh viện (1904-2024).

Trong thời gian tới, ngành Y tế Nam Định sẽ tiếp tục thực hiện hiệu lực, hiệu quả Kế hoạch số 26/KH-UBND ngày 7/2/2024 của UBND tỉnh Nam Định về thực hiện Chương trình hành động số 39-CTr/TU ngày 14/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Tiếp tục tổ chức triển khai Luật khám, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn Luật, nâng cao năng lực điều hành, quản lý kinh tế y tế, thực hiện tốt các quy chế dân chủ, quy chế bệnh viện, các quy chế chuyên môn trong các hoạt động tại các cơ sở y tế.

Xây dựng đề án "Phát triển nguồn nhân lực y tế tỉnh Nam Định giai đoạn 2024-2030". Phối hợp với các ngành thực hiện tốt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030".

Bảo đảm thẻ căn cước công dân từng bước thay thế các giấy tờ cá nhân khác liên quan (bảo hiểm y tế, căn cước...) cho người bệnh khi đi khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, sử dụng thiết bị y tế công nghệ cao, công nghệ thông tin trong quản lý điều hành và KCB nâng cao chất lượng điều trị. Từng bước nâng cao mức ứng dụng công nghệ thông tin theo tiêu chí bệnh viện thông minh.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ KCB tại các tuyến, trong đó tuyến tỉnh triển khai một số kỹ thuật như xạ trị, nội soi, kết hợp xương. Tiếp tục triển khai có hiệu quả và mở rộng thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo tuyến nhằm phát triển chuyên môn kỹ thuật tuyến y tế cơ sở. Phấn đấu tất cả cơ sở khám, chữa bệnh công lập đều tăng điểm chất lượng theo tiêu chí của Bộ Y tế.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Nguyên nhân nào khiến bệnh trầm cảm gia tăng ở giới trẻ? | SKĐS


Nhật Tân
Ý kiến của bạn