Thực hiện Đề án luân phiên cán bộ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới khám, chữa bệnh của Bộ Y tế (Đề án 1816), người dân Vĩnh Phúc, nhất là những người dân ở vùng sâu, vùng xa đã có điều kiện được tiếp cận với nhiều kỹ thuật y học tiên tiến. Chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế được nâng cao; việc chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới được tăng cường. Từ đó, góp phần giảm tình trạng quá tải cho bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến Trung ương.
Nhiều kỹ thuật chuyên môn cao được thực hiện tốt
Thực hiện Đề án 1816, trong hai năm 2013, 2014, đã có 37 lượt cán bộ được cử về làm việc luân phiên với 63 kỹ thuật chuyên môn được chuyển giao thuộc các chuyên ngành: chấn thương chỉnh hình, tiêu hoá, gan, mật, tiết niệu, huyết học lâm sàng, phẫu thuật tai mũi họng, thăm dò chức năng, nhãn khoa, hoá sinh - huyết học, chấn thương sọ não, hồi sức cấp cứu, châm cứu, nhi sơ sinh, siêu âm sản phụ khoa, tâm thần, phục hồi chức năng. Ngoài ra, đã có 90 lớp tập huấn, đào tạo nâng cao năng lực, tay nghề cho trên 1.500 lượt cán bộ tuyến tỉnh. Các cán bộ luân phiên đã khám và điều trị cho trên 5.300 lượt bệnh nhân, đồng thời, tham gia phẫu thuật 490 ca, cứu sống nhiều bệnh nhân cấp cứu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo.
Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng triển khai hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến huyện với tổng số 42 cán bộ được cử đi hỗ trợ. Nội dung hỗ trợ tập trung vào nội khoa, ngoại khoa, hồi sức cấp cứu, nội tâm thần, chẩn đoán huyết áp, sản, ngoại sản. Trong thời gian triển khai hỗ trợ, các y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến tỉnh đã chuyển giao 86 kỹ thuật cao, mở 42 lớp tập huấn với 2.014 cán bộ y tế huyện tham gia; khám và phẫu thuật cho gần 7.400 lượt bệnh nhân. Nhờ vậy, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên, số bệnh nhân chuyển lên tuyến trên giảm rõ rệt, hầu hết các bệnh viện đã triển khai được kỹ thuật mới. Người dân trong tỉnh, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ y tế kỹ thuật cao, phát hiện bệnh sớm, được can thiệp điều trị đúng, kịp thời. giúp giảm thiểu chi phí.
Ông Đặng Quang Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết: “Đề án 1816 về luân phiên cán bộ chuyển giao kỹ thuật của tuyến trên cho tuyến dưới là chủ trương đúng đắn và hiệu quả. Những kết quả đạt được đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh; mở rộng, phát triển đa dạng các dịch vụ kỹ thuật, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ. Vĩnh Phúc hiện đang thực hiện đan xen giữa Đề án 1816 và bệnh viện vệ tinh. Ngành y tế sẽ tiến hành đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đề xuất phương án thu hút nhân lực, thuê các chuyên gia đầu ngành, tiến tới tự chủ trong chuyển giao khoa học kỹ thuật.
Người dân được hưởng lợi từ Đề án
Cảm nhận đầu tiên khi chúng tôi đến Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Vĩnh Phúc là sự quá tải. Mặc dù là bệnh viện hạng 2 - tuyến khám, điều trị, phục vụ chăm sóc sức khỏe cao nhất cho bà mẹ và trẻ em trong tỉnh với quy mô 200 giường bệnh với 17 khoa phòng, song trung bình mỗi ngày tiếp nhận từ 150 - 170 lượt người đến khám bệnh. Trong đó có từ 300 - 350 bệnh nhân điều trị nội trú, có ngày cao nhất hơn 450 bệnh nhân.
Thực hiện Đề án 1816, những năm gần đây, bệnh viện đã tiếp nhận và làm chủ nhiều kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân. Bệnh viện đã tiến hành triển khai phẫu thuật nội soi, phẫu thuật mở về các lĩnh vực ngoại nhi như: phẫu thuật nội soi cắt bỏ ruột thừa cho trẻ em ở độ tuổi từ 23 tháng tuổi trở lên, phẫu thuật thoát vị bẹn trẻ em, phẫu thuật nội soi hạ tinh hoàn ẩn cho nhiều trẻ từ 2 - 6 tuổi, phẫu thuật nang nước thừng tinh, tràn dịch màng tinh hoàn, mổ tháo lồng ruột, bơm hơi tháo lồng ruột. Trong lĩnh vực sản phụ khoa, bệnh viện đã điều trị thành công nhiều trường hợp cấp cứu nặng như băng huyết sau sinh, chửa ngoài dạ con tràn ngập máu ổ bụng, phẫu thuật nội soi bằng dao siêu âm; theo dõi phát hiện sớm các tai biến sản khoa để mang lại hạnh phúc cho các bà mẹ đến sinh đẻ tại viện.
BS. Nguyễn Văn Quán - Phó Giám đốc bệnh viện bày tỏ: “Chúng tôi mong rằng trong thời gian tới, tiến độ xây dựng Bệnh viện Sản - Nhi sẽ được đẩy nhanh nhằm giải tỏa sự quá tải của bệnh viện, giúp người dân có môi trường thuận lợi trong quá trình khám, chữa bệnh. Đồng thời, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư các trang thiết bị y tế phục vụ các kỹ thuật cao trong công tác chẩn đoán, điều trị. Tiếp tục thực hiện Đề án 1816, bệnh viện sẽ tranh thủ tối đa sự giúp đỡ, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật của Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp cận các kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân”.
Bài, ảnh: Vinh Quang