Hà Nội

Đề án Bệnh viện vệ tinh - Đề án nhân văn vì cộng đồng

08-12-2018 09:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Nhiều bệnh viện (BV) tuyến tỉnh đã thực hiện được những kỹ thuật khó không thua kém BV tuyến TW, tạo được niềm tin nơi người bệnh, góp phần giảm tải đáng kể cho tuyến trên... Đó chính là những thành quả không nhỏ mà Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT) mang lại trong 5 năm qua.

Phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, người đã gắn bó và theo sát chương trình đề án này.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê.

PV: Thưa ông, là cán bộ trưởng thành từ cơ sở và khi được Bộ trưởng Bộ Y tế giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý Đề án BVVT ngay từ khi Đề án hình thành trên những trang giấy đầu tiên, nhìn lại thành quả 5 năm qua, ông có thể nói điều gì?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Cảm xúc của tôi rất khó tả! Một niềm hạnh phúc và cũng còn nỗi lo. Hạnh phúc vì Đề án BVVT đã được các cấp lãnh đạo rất ủng hộ. Về phía Chính phủ, từ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đều rất quan tâm đến Đề án BVVT. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo rất sát sao và có những ý kiến chỉ đạo quyết liệt, chính xác. Còn nỗi lo vẫn luôn canh cánh trong lòng đó là câu hỏi luôn thúc giục chúng tôi phải làm sao, làm thật tốt hơn nữa, bởi lẽ có đi địa phương về các vùng quê mới thấy trân quý những đóng góp lớn lao của ngành y tế trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta.

Về kết quả, có thể nói ngắn gọn như thế này, cả nước hiện đang có 23 BV hạt nhân, 127 BVVT, bao gồm 109 BV tuyến tỉnh, 13 BV tuyến huyện và 5 BV ngoài công lập. Sau 5 năm triển khai Đề án BVVT giai đoạn 2013 - 2018, 23 BV hạt nhân đã chuyển giao được gần 2.000 kỹ thuật cho các BVVT tuyến dưới. Trong đó, nhiều kỹ thuật cao chuyên sâu đã được chuyển giao trong đề án, như phẫu thuật cắt gan của BV E, phẫu thuật tuyến giáp nội soi của BV Nội tiết TW, phẫu thuật ung thư tiêu hóa, tiết niệu của BV K... Nhờ đó, 85,5% số BV trong Đề án BVVT có xu hướng giảm tỷ lệ chuyển tuyến.

5 năm qua, Đề án BVVT đã giải quyết được 80% nhu cầu nguyện vọng của tuyến dưới và khả năng cung ứng của tuyến trên, nâng cao công tác chuyên môn. Đa số cán bộ được chuyển giao đã phát huy được hiệu quả. Đề án cũng đã chuyển giao được những kỹ thuật cao, phức tạp. Mô hình BVVT cũng phát triển và có nhiều hình thức phù hợp cho từng địa phương. BVVT phát triển rộng khắp các tỉnh thành trong cả nước, không chỉ dừng lại phát triển ở các bệnh viện đa khoa (BVĐK), chuyên khoa tỉnh mà còn được thực hiện ở nhiều bệnh viện tuyến huyện như BVĐK huyện Mộc Châu (Sơn La), BVĐK huyện Mường Khương (Lào Cai); Bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện Tam Đường... BVVT không chỉ là những BV công lập mà còn ở các BV ngoài công lập. Tại TP. HCM xuất hiện Phòng khám BVVT thu hút đông bệnh nhân đến khám và điều trị.

PV: Những ấn tượng đọng lại mạnh mẽ nhất trong ông khi Đề án BVVT đem lại “trái ngọt”?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Đề án này là “đòn bẩy”, từng bước giảm tình trạng quá tải của các BV tuyến Trung ương, nhất là tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Thực tế tại các BVVT cho thấy, người bệnh đã tin tưởng khi thực hiện một số kỹ thuật cao tại tuyến y tế cơ sở. Thậm chí, nhiều trường hợp được xử lý ngay ở tuyến dưới, giảm nguy cơ tử vong trên đường di chuyển lên tuyến trên.

Trong chuyên ngành ngoại - chấn thương, BV Việt Đức đã chuyển giao kỹ thuật khó cho một loạt BVVT, nhất là BV vùng Tây - Đông Bắc của các tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên... Trước đây, với kỹ thuật phẫu thuật chấn thương, vết thương mạch máu ngoại vi, mổ máu tụ trong não, đa phần các BV tuyến dưới chưa thực hiện được. Do không được xử lý kịp thời và mất thời gian chuyển lên tuyến trên, nên không ít bệnh nhân đã bị cắt chi. Sau khi được chuyển giao kỹ thuật, nhiều BV tuyến tỉnh đã đầu tư các trang thiết bị, giúp cho việc triển khai các kỹ thuật này thuần thục hơn, tỷ lệ thành công cao hơn, nhờ đó nhiều bệnh nhân đã không phải cắt chi như trước.

Có những BV tỉnh, tỷ lệ chuyển tuyến chỉ còn dưới 1%. Điều này chứng tỏ, những kỹ thuật tinh tế, phức tạp, nếu được đầu tư, đào tạo bài bản, các bác sĩ ở BV vùng cao, vùng xa có thể làm được. Từ đó, hàng nghìn bệnh nhân là bà con dân tộc thiểu số sẽ không phải vượt 300-400km để về Thủ đô khám chữa bệnh.

Bác sĩ BV Bạch Mai cùng thầy thuốc tuyến dưới hội chẩn ca bệnh khó.

Bác sĩ BV Bạch Mai cùng thầy thuốc tuyến dưới hội chẩn ca bệnh khó.

PV: Thưa ông, Đề án BVVT giúp nâng cao chất lượng điều trị tuyến dưới, giảm tải cho BV tuyến trên. Tới đây, Bộ Y tế sẽ có giải pháp cũng như kiến nghị gì để việc triển khai các đề án giảm quá tải hiệu quả hơn?

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê: Để các giải pháp giảm quá tải BV được thực hiện mạnh mẽ, hiệu quả, bền vững hơn ở các tuyến, các địa phương cần thực hiện tích cực Chỉ thị số 08/CT-TTg về tăng cường các giải pháp giảm quá tải BV, mở rộng mạng lưới BVVT. Đó là, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo mở rộng mạng lưới BVVT, ưu tiên đầu tư cho các BVVT đảm bảo có đủ điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.

Khi xây dựng Đề án này vai trò của UBND các tỉnh và lãnh đạo địa phương là rất quan trọng. Các tỉnh đều có văn bản cam kết có vốn đối ứng đầu tư cho Đề án tại địa phương, có chính sách giúp y tế cơ sở được phát triển. Một điều nữa ở Đề án này đó là phải có sự kết hợp chặt chẽ, sự giám sát, đánh giá ở cả tuyến trên và tuyến dưới, giữa nhu cầu cần của tuyến dưới và có của tuyến trên.

Bộ Y tế luôn chú trọng chỉ đạo các BV tuyến trên tăng cường chuyển giao kỹ thuật và chuyên môn cho tuyến dưới, coi đây là một nhiệm vụ quan trọng, một tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ hàng năm của các BV; công bố danh sách các BV đủ tiêu chuẩn làm BV hạt nhân để các BVVT lựa chọn đề xuất hỗ trợ chuyên môn; khẩn trương ban hành quy định để các chuyên gia, bác sĩ giỏi ở các BV hạt nhân có trách nhiệm tham gia khám, chữa bệnh ở các BVVT. Không phân biệt BV Nhà nước hay BV tư nhân trong lựa chọn BV hạt nhân, BVVT.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống hỗ trợ y tế từ xa (Telemedicine) trong việc hội chẩn, hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, hội thảo, đào tạo giữa các BV. Hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở trên cơ sở gắn với mô hình bác sĩ gia đình bảo đảm phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng vùng, miền. Triển khai nhân rộng kết quả thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, nhóm giải pháp giảm quá tải BV, đặc biệt là: Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới BV ngoài công lập, hợp tác với các BV Nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách để phát triển y tế; Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, ý kiến từ lãnh đạo các BV Trung ương cũng cho rằng, thành công là vậy nhưng để thực hiện chuyển giao được nhiều kỹ thuật khó hơn vẫn gặp khó khăn ở nguồn nhân lực.

Trong thời gian tới, việc triển khai đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các BVVT sẽ được nhân rộng đến các BV tuyến huyện, xã và sẽ triển khai hệ thống Telemedicine, hỗ trợ hội chẩn trực tiếp qua màn hình với các ca cấp cứu không thể chuyển lên tuyến trên.

Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, bên cạnh các chính sách của Chính phủ và Bộ Y tế, cần phải có sự đánh giá, thẩm định thường xuyên giữa các BV hạt nhân với BVVT; giữa Bộ Y tế với các địa phương. Đặc biệt, rất cần có sự đồng thuận và hỗ trợ của địa phương về các ưu đãi như vốn, quỹ đất... để Đề án BVVT tại các địa phương thành hiện thực.

Điều tôi mong muốn và chia sẻ với các địa phương đó là vấn đề thu hút và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thầy thuốc giỏi yên tâm cống hiến, phục vụ quê hương, để y tế cơ sở phát triển vững chắc phục vụ tốt hơn nữa sức khỏe nhân dân.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!


Anh Tuệ (thực hiện )
Ý kiến của bạn