Giai đoạn 2013-2020, Bệnh viện TW Huế là bệnh viện hạt nhân của 8 bệnh viện vệ tinh trong 3 lĩnh vực chuyên khoa tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương và các chuyên ngành khác hỗ trợ thông qua hoạt động luân phiên cán bộ, Đề án 1816. Báo SK&ĐS đã phỏng vấn GS.TS. Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện TW Huế về kết quả 5 năm thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh mà bệnh viện đã thực hiện.
GS. Phạm Như Hiệp.
PV: Thưa ông, là người gắn bó đã lâu từ khi thực hiện Đề án 1816 và đến nay là Đề án Bệnh viện vệ tinh, nhìn lại hành trình vừa qua, ông có đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện tại Bệnh viện TW Huế?
GS.TS. Phạm Như Hiệp: Trước hết, cần khẳng định rằng, Đề án 1816 trước kia và nay là Đề án Bệnh viện vệ tinh là chủ trương đúng đắn của ngành y tế mang tầm chiến lược bao gồm nhiều hoạt động phối hợp giữa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo cơ hội thuận lợi cho mỗi người dân được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe với chất lượng ngày càng cao, góp phần phát triển và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng và hiệu quả.
Đề án Bệnh viện vệ tinh được triển khai với mục tiêu nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện vệ tinh thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, giúp người dân được khám, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại cơ sở, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Bệnh viện TW Huế là nơi cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng cao cho nhân dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên và nhiều vùng miền khác, đồng thời là cơ sở đào tạo cán bộ y tế cho mạng lưới y tế khu vực và cả nước. Công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ y tế tuyến dưới được bệnh viện triển khai đều đặn theo cả hai phương thức đào tạo tập trung tại bệnh viện và cử cán bộ bệnh viện về tuyến dưới chuyển giao kỹ thuật, đã góp phần nâng cao tay nghề và chất lượng khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến dưới trong khu vực. Bệnh viện đã phát triển và duy trì đều đặn nhiều loại hình đào tạo: đào tạo theo các chương trình, đề án Bộ Y tế, đào tạo định hướng chuyên khoa, đào tạo chuyên khoa I, chuyên khoa II (từ 2011-2015) đào tạo có phối hợp với giảng viên nước ngoài đến từ các nước: Pháp, Mỹ, Nhật, Bỉ, Úc, Thụy Sĩ..., đào tạo thực hành và quản lý sinh viên, học viên thực tập phối hợp với các cơ sở giáo dục y tế, đào tạo phẫu thuật nội soi, tim mạch, huyết học truyền máu... cho các BS Đông Nam Á: Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia, đào tạo thực hành lâm sàng ngắn hạn tập trung cấp chứng chỉ CME trong nhiều lĩnh vực chuyên khoa khác nhau...
PV: Đi vào kết quả thực hiện, ông có thể khái quát kết quả thực tế mà Bệnh viện TW Huế góp phần nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho tuyến dưới?
GS.TS. Phạm Như Hiệp: Trong giai đoạn 2013-2018, với sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Y tế mà trực tiếp là Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bệnh viện TW Huế đã thiết lập mạng lưới vệ tinh, xây dựng 17 gói kỹ thuật cho 3 lĩnh vực Ngoại Chấn thương, Tim mạch, Ung bướu, mỗi gói kỹ thuật gồm nhiều kỹ thuật hoặc gói kỹ thuật nhỏ.
Quá trình triển khai tùy theo tình hình thực tế và nhu cầu nảy sinh của mỗi bệnh viện vệ tinh mà có thể thay đổi, bổ sung các kỹ thuật cho phù hợp. Các kỹ thuật, gói kỹ thuật được chuyển giao theo 2 bước. Sau bước học tập trung của cán bộ bệnh viện vệ tinh tại bệnh viện, Bệnh viện TW Huế cử cán bộ đến hỗ trợ triển khai kỹ thuật trực tiếp tại các bệnh viện vệ tinh gồm nhiều đợt ngắn ngày cho đến khi cán bộ bệnh viện vệ tinh có thể độc lập thực hiện. Về công tác đào tạo, từ năm 2013 đến tháng 10/2018, Bệnh viện TW Huế đã đào tạo cho 35.777 học viên bao gồm các lớp CKI, CKII, đào tạo và tập huấn cho các cán bộ y tế tuyến tỉnh và tuyến huyện...
Đã có 330 học viên của 58 lớp kỹ thuật, bao gồm các gói kỹ thuật đã chuyển giao cho các BV vệ tinh.
Các hoạt động đào tạo, chuyển giao các gói kỹ thuật đã từng bước nâng cao tay nghề cho các Bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến lên tuyến trên từ 10-25% tùy theo từng kỹ thuật và từng bệnh viện.
PV: Điều lo lắng nhất là bác sĩ tuyến trên rút về thì bệnh viện tuyến dưới không có bệnh nhân, làm thế nào để Đề án Bệnh viện vệ tinh được thực hiện tốt hơn nữa, thưa ông?
GS.TS. Phạm Như Hiệp: Tôi cho rằng, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bệnh viện hạt nhân và Bệnh viện vệ tinh trong tất cả các bước của quy trình chuyển giao kỹ thuật, từ khảo sát nhu cầu đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho đến giám sát, đánh giá là cực kỳ quan trọng.
Quá trình thực hiện công tác chuyển giao kỹ thuật cần vận dụng linh hoạt và phối hợp nhiều hình thức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật khác nhau trong điều kiện thiếu nhân lực cả tuyến trên lẫn tuyến dưới. Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ với việc chuẩn bị tốt nhân lực tiếp nhận kỹ thuật đảm bảo tính hiệu quả của công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật.
Và tiếp nữa là bệnh viện tuyến dưới cần quan tâm hơn và mạnh dạn trong việc truyền thông, quảng bá cho hiệu quả của hoạt động chuyển giao kỹ thuật của Đề án Bệnh viện vệ tinh có hiệu quả thiết thực trong việc thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại các bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện tuyến dưới ở tỉnh, huyện làm được rất nhiều việc, cứu sống rất nhiều bệnh nhân nhưng người dân trong tỉnh ít biết đến quá...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!