Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh lợi ích của việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) trong chăm sóc sức khỏe ban đầu như góp phần tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch, rối loạn chuyển hóa và tử vong sơ sinh... Tại Việt Nam, Bộ Y tế đang lập Đề án Xây dựng và Phát triển mô hình phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013 - 2020. Khi Đề án được chính thức ban hành sẽ là mô hình hiệu quả giảm tải cho các bệnh viện.
Góp phần giảm tải
TS. Nguyễn Phương Hoa, Phó trưởng Bộ môn Y học gia đình, Đại học Y Hà Nội cho biết, một nghiên cứu tại Anh đã chỉ ra rằng, nếu tăng thêm một BSGĐ cho cộng đồng dân cư gần 10.000 dân sẽ giảm được 6% tỷ lệ tử vong chung. Chỉ có khoảng 10% các cuộc khám đầu tiên của bệnh nhân với BSGĐ cần chuyển khám chuyên khoa và chuyển viện. Vì thế, nếu y tế gia đình tuyến cơ sở đảm bảo chất lượng phục vụ sẽ giải quyết khoảng 80% yêu cầu chăm sóc sức khỏe. Con số này cho thấy vai trò của BSGĐ đối với việc chăm sóc sức khỏe người dân ở tuyến cơ sở là rất quan trọng. Theo đó, BSGĐ giải quyết được nhiều vấn đề sức khỏe, bệnh tật xảy ra đồng thời trên một bệnh nhân; chăm sóc toàn diện, liên tục từng cá thể, cả gia đình trong suốt thời kỳ ốm đau, giai đoạn phục hồi, khi khỏe mạnh; phát hiện các vấn đề sức khỏe của bệnh nhân ở giai đoạn sớm; xử lý các tình huống phức tạp về tâm lý và các yếu tố xã hội cho người bệnh; có kỹ năng điều trị và quản lý bệnh mạn tính, đảm bảo sự hồi phục tốt nhất, ít biến chứng; là cầu nối giữa lĩnh vực lâm sàng và y tế công cộng... Với những vai trò ấy, khi phát triển BSGĐ, các bệnh viện sẽ có thời gian khám chữa bệnh cho các ca bệnh nặng đúng với vai trò chuyên sâu, góp phần tăng chất lượng, giảm quá tải.
BSGĐ sẽ giúp tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Ảnh: Ngọc Khang |
Công việc của BSGĐ khác với công việc của các bác sĩ trong bệnh viện, họ là người đầu tiên tiếp xúc với bệnh nhân và nếu họ làm tốt công việc của mình thì chi phí cho người bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều. Ở những nước tiên tiến, BSGĐ có thể xử lý đến 90% bệnh tật. Sự can thiệp sớm trong điều trị là giải pháp an toàn nhất để tránh các biến chứng và di chứng về sau.
BSGĐ - mô hình cần thiết và hữu ích
Từ năm 2000, nước ta cũng đã triển khai thí điểm mô hình BSGĐ. Cho đến nay, đã có 7 trường đại học y đào tạo BSGĐ và có hơn 500 bác sĩ chuyên khoa I BSGĐ đã tốt nghiệp. Tuy nhiên, công tác truyền thông/quảng bá về chuyên khoa BSGĐ chưa được chú trọng và chưa hiệu quả, người dân vì thế chưa hiểu đúng về quan niệm, chức năng và phạm vi hoạt động của BSGĐ. Chỉ cần hắt hơi, sổ mũi là họ đến phòng khám của bệnh viện khám chứ không gọi BSGĐ.
Năm 2000, xuất phát từ thực tiễn, kết hợp với việc vận dụng, học tập kinh nghiệm các nước có nền y tế tiên tiến, Bộ Y tế đã chỉ đạo đào tạo loại hình bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Hoạt động BSGÐ đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Cần Thơ với các mô hình khác nhau: Trung tâm BSGÐ, phòng khám BSGÐ, trạm y tế có hoạt động BSGÐ, các trung tâm, phòng khám BSGÐ đã thực hiện nhiệm vụ tổ chức khám chữa bệnh và làm các dịch vụ y tế tại đơn vị hoặc tại nhà theo yêu cầu của bệnh nhân, thực hiện quản lý theo dõi sức khỏe cho cả hộ gia đình theo hình thức BSGÐ và khám chữa bệnh tại nhà cho nhân dân. Tại Khánh Hòa, các trạm y tế có BSGÐ hoạt động đã xây dựng và thực hiện quy chế chuyển tuyến có kết nối giữa tuyến huyện và tuyến xã, có phản hồi thông tin bệnh nhân, góp phần đảm bảo theo dõi và điều trị liên tục, điều trị toàn diện, phối hợp trong chẩn đoán và điều trị… Ngày 18/2/2013, tỉnh Tiền Giang triển khai thí điểm mô hình BSGÐ tại 5 điểm ở TP. Mỹ Tho, thị xã Gò Công, huyện Chợ Gạo và huyện Gò Công Ðông trong năm 2013. Dự kiến bước đầu sẽ có 25.000 - 30.000 người được BSGÐ theo dõi sức khỏe, khám chữa bệnh thường xuyên. |
Hà Nội là địa phương đi đầu trong cả nước áp dụng thí điểm mô hình này. Song cho đến nay, sau khoảng 10 năm thành lập, Trung tâm BSGĐ vẫn phát triển chủ yếu mảng tiêm chủng, xã hội hóa hơn là BSGĐ - người đầu tiên tiếp xúc tư vấn cho bệnh nhân. Ông Ngô Tất Thắng - Giám đốc Trung tâm BSGĐ (Sở Y tế Hà Nội) cho biết, hiện trung tâm đang quản lý 27.000 hộ gia đình (con số quá ít so với hơn 6 triệu dân trên toàn thành phố) tập trung chủ yếu ở quận Hoàn Kiếm (phường Hàng Bài, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân...). Theo báo cáo về hoạt động của BSGĐ năm 2012 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy, tại nhiều phòng khám BSGĐ, bệnh nhân được tiếp đón ân cần, tư vấn chu đáo, hướng dẫn chuyển tuyến phù hợp, được theo dõi toàn diện, cập nhật liên tục diễn biến sức khỏe, bệnh tật, 80% số người bệnh đến phòng khám BSGĐ được giải quyết mà không phải đến bệnh viện nên đã góp phần giảm quá tải bệnh viện.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai xây dựng thí điểm phòng khám BSGĐ giai đoạn 2013 - 2020 ở 8 tỉnh và thành phố gồm: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa và Tiền Giang. TS. Trần Quý Tường, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: Việc triển khai thí điểm mô hình BSGĐ nhằm tăng cường chất lượng cung ứng dịch vụ chăm sóc ban đầu và góp phần giảm quá tải ở bệnh viện.
Anh Minh