Đề án 1816 là đòn bẩy nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

14-12-2010 12:10 | Xã hội
google news

Thực hiện Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế Hải Dương đã biết kết hợp giữa y tế công với y tế quân đội trên địa bàn để cùng tham gia. Nhờ đó, mặc dù là tỉnh rất gần với Hà Nội – nơi tập trung nhiều bệnh viện đầu ngành nhưng y tế cơ sở của Hải Dương đã “hút” được người bệnh ở lại.

Thực hiện Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngành y tế Hải Dương đã biết kết hợp giữa y tế công với y tế quân đội trên địa bàn để cùng tham gia. Nhờ đó, mặc dù là tỉnh rất gần với Hà Nội – nơi tập trung nhiều bệnh viện đầu ngành nhưng y tế cơ sở của Hải Dương đã “hút” được người bệnh ở lại. Điều gì đã giúp người dân Hải Dương có thêm niềm tin vào y tế của tỉnh, chúng tôi đã phỏng vấn TTƯT Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hải Dương.

Phóng viên (PV): Hải Dương là tỉnh nằm trọn trong tam giác phát triển Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, đó cũng là cơ hội nhưng cũng là thách thức cho y tế của tỉnh. Theo ông, tận dụng cơ hội cuả Đề án 1816 làm “cú hích” cho y tế Hải Dương như thế nào để phát triển?

 TTƯT. Nguyễn Thành Công.

Ông Nguyễn Thành Công:

Ngành y tế Hải Dương thấy rằng Đề án 1816 là vấn đề hết sức cần thiết, chúng tôi đã triển khai Đề án 1816 đến tất cả các cơ sở y tế của tỉnh Hải Dương và có thể khẳng định rằng Đề án đang mang lại nhiều thành quả. Cụ thể, đối với tuyến tỉnh, chúng tôi yêu cầu tất cả các đơn vị liên hệ với các BV của tuyến TW để mời các BS, cán bộ có trình độ tay nghề cao về hỗ trợ về một số lĩnh vực. Ví dụ, BVĐK tỉnh phối hợp với BV Việt Đức và Bạch Mai… về lĩnh vực ngoại khoa như: phẫu thuật sọ não, thần kinh và mổ nội soi. BV Nhi phối hợp với BV Nhi TW và trong năm vừa qua đã thường xuyên có các đợt BS tuyến trên hỗ trợ về lĩnh vực cấp cứu nhi khoa và triển khai thực hiện một số phẫu thuật cho bệnh nhân nhi.

Thông qua đó, chúng tôi thấy rằng thầy thuốc tuyến trên đã giúp cho Hải Dương đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ kể cả phẫu thuật viên, châm cứu. Thực tế đã cho thấy có rất nhiều bệnh nhân ở Hải Dương đã được thực hiện mổ mà không cần phải đưa lên tuyến trên. Bên cạnh đó giúp cho người bệnh tin tưởng hơn. Không chỉ biết huy động nguồn lực từ tuyến trên, Hải Dương đã huy động bệnh viện quân đội đóng trên địa bàn cùng tham gia vào thực hiện Đề án 1816. Cụ thể, chúng tôi đã đề nghị BV 7 - Quân khu 3 đóng trên địa bàn tỉnh Hải Dương đưa các BS, kỹ thuật viên về BVĐK khu vực Nghị Chiểu, huyện Kinh Môn (vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Ninh) để hỗ trợ tuyến dưới ở lĩnh vực ngoại khoa và cấp cứu nội khoa. Việc làm này đã được nhân dân nơi đây nhiệt tình ủng hộ và rất ca ngợi.

Đối với tuyến huyện chúng tôi đã yêu cầu BV tuyến dưới xây dựng kế hoạch và làm việc trực tiếp với các BV tuyến tỉnh và tuyến TW để có sự hỗ trợ. Qua đó, triển khai thực hiện KCB cho nhân dân ngay tại địa phương và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Tôi đã được nghe một người dân nói rằng: “Lẽ ra, tôi đã phải rất tốn kém khi phải đi xa để KCB nhưng có BS tuyến trên về ngay tại địa phương chúng tôi không chỉ yên tâm điều trị mà còn giúp mọi người giảm chi phí, thời gian đi nhiều”, đây là điều đáng mừng đối với ngành y tế Hải Dương. Qua thực hiện Đề án 1816,  bệnh viện tuyến huyện của Hải Dương đã thu hút được số bệnh nhân khám và điều trị rất đông (có huyện vượt 115% - 125% chỉ tiêu giường bệnh). Cùng đó, chúng tôi cũng yêu cầu BV tuyến huyện tăng cường số lượng BS về hỗ trợ tuyến xã còn thiếu BS. Đến nay, chúng tôi đã tổ chức được trên 90% số xã khám BHYT. Việc làm này giúp cho người dân có bệnh nhẹ có thể cho thuốc và điều trị ngay. Còn đối với những bệnh nặng, khi được khám tại tuyến xã với các BS ở tuyến được tăng cường về sẽ có được những phát hiện và tư vấn kịp thời cho người dân.

PV: Như trên ông vừa nói, Hải Dương đã có 90% số xã thực hiện KCB theo BHYT tại tuyến xã. Bác sĩ ở xã là điều kiện cần để giúp giảm tải cho bệnh viện tuyến trên qua phân loại và hướng dẫn người bệnh cách phòng bệnh, để làm được điều đó , ngành y tế Hải Dương đã có sự hỗ trợ như thế nào từ các tuyến trên để giúp cho người dân tin tưởng vào trình độ KCB của các BS ở  xã?

Ông Nguyễn Thành Công: Theo thống kê, tại Hải Dương có 76% số xã có BS, còn lại, chúng tôi hợp đồng với các BS đã nghỉ hưu và tăng cường các BS từ tuyến huyện và tuyến tỉnh để nâng số bác sĩ có mặt tại xã lên 90%. Chính từ việc có các BS từ tuyến TW, tuyến tỉnh về cầm tay chỉ việc cho đội ngũ BS tại tuyến xã đã lấy được lòng tin của người dân, người dân tại xã đã sẵn sàng sử dụng dịch vụ y tế ngay tại cơ sở. Đối với các bệnh nhẹ, người dân có thể được cấp thuốc và cho điều trị ngoại trú. Nếu bệnh nặng, các BS tại tuyến xã sẽ có sự chẩn đoán kịp thời, nếu thấy rằng vượt khả năng của xã sẽ tiến hành chuyển lên tuyến cao hơn.

PV: Giữ chân bác sĩ ở lại để không còn tình trạng chảy máu “chất xám” đặt trong bối cảnh Hải Dương rất gần các thành phố lớn. Ngành đã có đề xuất cho UBND tỉnh có chế độ hay đãi ngộ gì để các BS yên tâm công tác và phát huy tốt nhất việc thực hiện Đề án 1816?

Ông Nguyễn Thành Công: Đối với Hải Dương, việc nằm rất gần với những tỉnh, thành phố lớn có cái lợi nhưng cũng có cái bất lợi. Lợi đó là người dân có thể dễ dàng trong việc đi lại. Nhưng cái bất lợi đó là người dân gặp phải bệnh nặng, có điều kiện sẽ đi thẳng lên tuyến TW cho nên có thể sẽ không có những mặt bệnh khó để cho các BS rèn luyện tay nghề, đây là sự bất lợi cho các BS có trình độ tay nghề giỏi. Cùng đó, hiện nay, một số BV tuyến  TW cũng rất cần các BS có tay nghề giỏi cho nên khi những BS làm việc tại Hải Dương có tay nghề và trình độ dễ bị “hút” về tuyến TW. Qua đó, có thể thấy việc giữ chân các BS có tay nghề yên tâm làm việc tại Hải Dương là một việc làm hết sức khó. Ngành y tế đã tham mưu cho lãnh đạo tỉnh triển khai thực hiện đề án phát triển nguồn nhân lực y tế từ nay đến năm 2015. Trong đề án đó ghi rõ mục tiêu cần gửi đi đào tạo như thế nào, sử dụng ra sao. Ngoài ra, chúng tôi đang đề xuất với tỉnh có chế độ chính sách riêng đối với các BS nếu như đang học ở trường, sau khi tốt nghiệp có nguyện vọng về công tác tại tuyến huyện, tuyến xã sẽ được hỗ trợ tiền học phí trong 6 năm. Cùng đó sẽ được hỗ trợ thêm 50 - 60 triệu đồng/năm. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện việc làm này và hy vọng trong khoảng 5 năm tới tỉnh Hải Dương sẽ không phải là tỉnh quá thiếu về nguồn nhân lực.

PV: Qua 2 năm thực hiện Đề án 1816, ông có thể nói như thế nào về chất lượng KCB tại Hải Dương?

 Hệ thống theo dõi bệnh nhân rất hiện đại được trang bị tại tỉnh Hải Dương.

Ông Nguyễn Thành Công:

Việc nâng cao chất lượng KCB phải được coi là việc sống còn đối với các BV, quyết định sự tồn tại và uy tín của BV. Đầu tư bằng nhiều nguồn lực để cải tạo phát triển cơ sở vật chất, hạn chế tối đa các phòng hành chính để kê được thật nhiều giường bệnh, tránh việc nằm ghép. Cùng đó, một việc làm hết sức quan trọng đó là đưa BS đi đào tạo và mời các BS tuyến trên về hỗ trợ để nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao tay nghề. Và chỉ có tay nghề cao mới lấy được lòng tin của người dân. Tranh thủ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để nâng cấp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ cho các BV. Một việc làm nữa đó là rèn luyện y đức và nâng cao tinh thần thái độ phục vụ bệnh nhân, tạo nên sự hài lòng cho người bệnh. Từ cơ sở chúng tôi thấy rằng, Đề án 1816 đã giúp cho chất lượng y tế tại cơ sở ngày càng được nâng cao. Nếu không có đề án thì một số kỹ thuật cao sẽ không thể thực hiện được do không có sự hỗ trợ của tuyến TW, một số kỹ thuật cao đáng ra chỉ có thể làm tại tuyến tỉnh nhưng lại có thể thực hiện được ở tuyến huyện. Từ đó, có thể khẳng định rằng nhờ Đề án 1816, đội ngũ BS tại tỉnh Hải Dương đã được đào tạo nâng cao trình độ, chất lượng KCB ngày được nâng cao, mang lại sự tin tưởng cho người dân. Đồng thời giúp giảm tải cho tuyến trên và tạo điều kiện cho người dân đi KCB được thuận lợi về nhiều mặt.

PV:   Để làm tốt Đề án 1816, trang thiết bị để thầy thuốc triển khai các kỹ thuật chuyển giao là điều quan trọng không kém, được biết, Hải Dương tận dụng khá tốt các nguồn lực từ xã hội hóa. Nhưng bên cạnh nổi lên vấn đề tránh việc lạm dụng sai các xét nghiệm, lạm dụng máy móc. Về góc độ quản lý Nhà nước, ông có biện pháp gì để tránh việc lạm dụng dẫn đến việc có những chỉ định sai, xét nghiệm không cần thiết ?

Ông Nguyễn Thành Công: Chúng tôi đã có cả một đề án được tỉnh phê duyệt về việc xã hội hóa cho ngành y tế. Hiện nay, ngay tại các BV công lập cũng phải tận dụng sự đầu tư từ các nguồn lực xã hội hóa để ngày càng nâng cao chất lượng KCB cho người dân. Để tránh việc lạm dụng từ sự đầu tư của các nguồn lực xã hội hóa, thực hiện theo Nghị định 69 của Chính phủ, chúng tôi thực hiện tách riêng phần hạch toán từ sự đầu tư của các nguồn lực xã hội hóa. Ví dụ: một đơn vị trang bị máy cho BV thì máy đó sẽ được tách riêng phần hạch toán. Cùng đó, chúng tôi luôn luôn có sự chỉ đạo đối với lãnh đạo các BV cũng như các BS không được phép lạm dụng từ các trang thiết bị được đầu tư, bệnh nào sử dụng dịch vụ đó, xét nghiệm đó, không được làm những xét nghiệm không cần thiết. Trong năm 2010, các BV tại Hải Dương đang thực hiện KCB BHYT theo định suất và không giống như những năm trước hầu hết các BV đều bị bội chi. Năm nay chúng tôi đang có sự kết dư, tuy không nhiều nhưng đây là tín hiệu tích cực minh chứng cho việc đã hạn chế việc lạm dụng các xét nghiệm không cần thiết.

 PV: Xin cảm ơn ông!

Đăng Anh(thực hiện)


Ý kiến của bạn