Đề án 1816 góp phần thay đổi diện mạo y tế cơ sở

21-12-2010 10:03 | Thời sự
google news

Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã đi vào cuộc sống được 2 năm. Thời gian 2 năm chưa phải là quá dài nhưng hiệu quả đem lại của Đề án là rất lớn. Đã có gần 4.000 lượt thầy thuốc của các bệnh viện trung ương về với vùng sâu, vùng xa.

Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế đã đi vào cuộc sống được 2 năm. Thời gian 2 năm chưa phải là quá dài nhưng hiệu quả đem lại của Đề án là rất lớn. Đã có gần 4.000 lượt thầy thuốc của các bệnh viện trung ương về với vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó là hàng trăm ngàn người bệnh được thụ hưởng từ thành quả của Đề án. Trên diễn đàn Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội thay mặt cho các cử tri gửi đến Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, mong muốn được duy trì lâu dài thành quả của Đề án. Chuẩn bị tổng kết 2 năm thực hiện Đề án 1816, phóng viên báo SK&ĐS đã phỏng vấn TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, đơn vị được Bộ trưởng Bộ Y tế giao là cơ quan thường trực của Đề án.

PV: Thưa ông, thành công bước đầu của Đề án 1816 đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Theo ông, nguyên nhân chính làm nên thành công của Đề án là gì?

TS. Lương Ngọc Khuê: Thành công ban đầu của Đề án 1816 có thể nói là sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự ủng hộ từ các bộ, ngành TW. Về phía Bộ Y tế, Đề án đã nhận được sự đồng thuận cao không chỉ trong lãnh đạo Bộ mà cả các lãnh đạo bệnh viện trong toàn quốc. Tôi còn nhớ, khi mới thực hiện Đề án, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu với cương vị là Trưởng ban chỉ đạo, thường xuyên có các cuộc họp giao ban và trực tiếp chỉ đạo để tháo gỡ những khó khăn ban đầu. Và ngay cả hiện nay, sự quan tâm của đồng chí Bộ trưởng trong các cuộc giao ban Bộ Y tế, giao ban về Đề án, đã đem lại nhiều ý kiến tâm huyết, nhiều kinh nghiệm thực tiễn quý giúp tháo gỡ khó khăn cho việc thực hiện. Thành công của Đề án có được là sự đồng thuận cao của dư luận xã hội, ủng hộ nhiệt tình của các thầy thuốc và người bệnh. Những vấn đề nêu trên có thể tôi chưa kể hết, nhưng là những yếu tố cốt lõi góp phần làm nên thành công ban đầu của Đề án 1816.

PV: Giá trị của Đề án 1816 đem lại là người dân ở các vùng sâu, vùng xa đã được thụ hưởng nhiều kỹ thuật cao, được các thầy thuốc tuyến TW về trực tiếp thăm khám, điều trị và hơn hết, ngành y tế đã từng bước giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên là 30%. Thưa ông, nhìn lại 2 năm thực hiện Đề án, kết quả ban đầu của giảm tải bệnh viện đã được như thế nào?

TS. Lương Ngọc Khuê (người bên trái) thăm bệnh nhân tuyến cơ sở được hỗ trợ kỹ thuật bởi Đề án 1816.

TS. Lương Ngọc Khuê: Tình trạng quá tải bệnh viện diễn ra từ nhiều năm trước, phổ biến không chỉ các bệnh viện tuyến Trung ương mà cả bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện đa khoa khu vực. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, khi về nhận nhiệm vụ lãnh đạo ngành y tế, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu đã thấy được điều này và đã chỉ đạo Cục Quản lý khám chữa bệnh cùng các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, khảo sát thực trạng quá tải bệnh viện. Bắt tay vào thực hiện Đề án 1816, ngành y tế đã lồng ghép nhiều hoạt động như phát triển và nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh. Mô hình bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Việt Đức bước đầu phát huy hiệu quả. Từ thành công của dự án này, một số bệnh viện tuyến cuối đang nghiên cứu nhân rộng mô hình bệnh viện vệ tinh, như Bệnh viện Bạch Mai đang triển khai thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đang xây dựng dự án bệnh viện vệ tinh tại 10 tỉnh miền Bắc; Bệnh viện Nhi Trung ương đang xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh tại 6 tỉnh... Triển khai mô hình liên thông giữa bệnh viện công lập với bệnh viện công lập (Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Thể thao), giữa bệnh viện công lập và bệnh viện tư nhân. Bên cạnh đó là tăng cường công tác đào tạo liên tục và công tác chỉ đạo tuyến. Bộ Y tế đã thành lập 20 trung tâm đào tạo và chỉ đạo tuyến tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Tổ chức phân công lại công tác chỉ đạo tuyến theo các bệnh viện tuyến Trung ương và một số bệnh viện hạng I của các bệnh viện tuyến tỉnh... Qua rất nhiều sự chỉ đạo và vào cuộc quyết tâm của toàn ngành, kết quả giảm tải đã thu được những thành công ban đầu: Giảm một cách đáng kể số bệnh nhân phải nằm ghép, từ 15.000 người năm 2007 xuống còn trên 6.000 người năm 2010; tăng 32.132 giường bệnh (32%). Có nhiều bệnh viện trong 2 năm qua cơ bản không còn tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép như Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế và Bệnh viện Thanh Nhàn -Hà Nội, Bệnh viện đa khoa các tỉnh: Lâm Đồng, Quảng Ninh, Hậu Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lạng Sơn, Điện Biên... Chúng tôi đưa những con số trên để thấy rằng những nỗ lực của ngành y tế và các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chỉ đạo của Quốc hội và Chính phủ về giảm tình trạng quá tải bệnh viện đã bước đầu có kết quả. Trong điều kiện cơ sở vật chất của ngành y tế còn khó khăn như hiện nay thì kết quả này cũng cần được ghi nhận và khích lệ. Tình trạng nằm ghép ở các bệnh viện hiện nay chỉ còn ở một số khoa của bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành, các bệnh viện chuyên khoa như tim mạch, ung thư, nhi... Nếu thực hiện thành công Đề án 47, Đề án 930 cũng như tiếp tục thực hiện tốt Đề án 1816 thì cơ bản sẽ giải quyết được tình trạng nằm ghép ở các bệnh viện tuyến tỉnh và Trung ương.

PV: Qua theo dõi việc thực hiện Đề án 1816, chúng tôi được biết, các thầy thuốc tuyến dưới rất hào hứng với việc thực hiện Đề án, bên cạnh người bệnh không phải điều trị xa nhà, người thầy thuốc cũng không phải lặn lội về Hà Nội, TP.HCM để học với các thầy, mà lại được thầy về tận nơi dạy và truyền thụ kinh nghiệm. Ông đánh giá thế nào về việc này?

Thầy thuốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương hướng dẫn thầy thuốc tuyến dưới kỹ thuật mới trong ngành châm cứu.

TS. Lương Ngọc Khuê: Đúng là như vậy. Qua các chuyến đi cơ sở nắm bắt tình hình, việc đứng lớp của các thầy thuốc tuyến trên đã đem lại hiệu quả thiết thực. Thầy thuốc tuyến dưới nắm bắt ngay được các kỹ thuật mà hiện nay các bệnh viện đầu ngành đang triển khai. Bên cạnh đó, bệnh viện tuyến dưới còn học được việc bố trí các khoa, phòng sao cho khoa học và đúng chuyên môn từ sự hướng dẫn, cách sắp xếp của thầy thuốc tuyến trên. Có được điều này là do chương trình đào tạo được xây dựng trên cơ sở nhu cầu tuyến dưới đề xuất, xác định rõ đối tượng đào tạo, nội dung đào tạo, điều kiện cần và đủ để đào tạo, thực hành, vì vậy, việc đào tạo trong thực hiện Đề án 1816 là hết sức hiệu quả.

PV: Thưa ông, hiệu quả của Đề án 1816 đã rõ ràng, nhưng vẫn còn không ít băn khoăn đến tính bền vững của Đề án. Bởi lẽ, sau khi các thầy thuốc tuyến trên rút đi, thầy thuốc tuyến dưới phải làm thế nào để đứng vững và phát triển trên chính “đôi chân” của họ?

TS. Lương Ngọc Khuê: Trong quá trình giám sát thực hiện Đề án, điều chúng tôi quan tâm và cũng là mong muốn của người bệnh là tính bền vững và lâu dài mà Đề án đem lại. Vì lẽ đó, Bộ Y tế đã yêu cầu rất cao đối với các bệnh viện tuyến Trung ương về việc khảo sát kỹ nhu cầu của tuyến dưới. Việc khảo sát có kết quả thì hiệu quả của việc thực hiện Đề án mới bền và vững được. Từ sự khảo sát này, các bệnh viện tuyến Trung ương có kế hoạch cử cán bộ giỏi về thực hành, mạnh về giảng dạy để truyền thụ kiến thức cho bác sĩ tuyến dưới. Khi các thầy thuốc tuyến TW về, các bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là bệnh viện đa khoa các tỉnh phải có kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông ở địa phương để người dân hiểu và biết có bác sĩ TW về. Qua việc giám sát và chuyển giao kỹ thuật trên chính người bệnh ở địa phương, thầy thuốc tuyến dưới thực hiện các kỹ thuật đã học, có thầy ở bên tự đảm đương sẽ quen dần với thực hành. Khi thầy thuốc tuyến trên hết thời gian tăng cường, việc đảm đương các kỹ thuật mới được chuyển giao, tôi nghĩ không có gì quá khó. Và quan trọng nhất, tôi được biết và rất ủng hộ việc giữ mối liên lạc thường xuyên giữa thầy thuốc tuyến trên và thầy thuốc tuyến dưới. Khi có ca bệnh khó, trong thời đại thông tin nhanh, hiện đại như hiện nay, bác sĩ bệnh viện tuyến dưới có thể tham vấn với các thầy của mình để nhận được sự giúp đỡ. Hơn hết, trong thời đại “thế giới phẳng” như hiện nay, các bệnh viện tuyến dưới cũng cần quan tâm đến việc tuyên truyền để người dân hiểu và tin thầy thuốc của bệnh viện của mình nhằm giữ chân họ lại để điều trị ngay tại địa phương. Một điều quan trọng nữa, đó là các địa phương cần quan tâm bổ sung đủ trang thiết bị cần thiết để các thầy thuốc phát huy hết năng lực, sử dụng được kỹ thuật chuyển giao.

PV:Xin cảm ơn ông!

Bảo Thy (thực hiện)


Ý kiến của bạn