Đề án 1816 đổi thay chất lượng y tế Quảng Nam

25-09-2011 15:15 | Tin nóng y tế
google news

Thực hiện Đề án 1816 là nhu cầu cần thiết đối với ngành y tế Quảng Nam nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên ở tuyến cơ sở,

Thực hiện Đề án 1816 là nhu cầu cần thiết đối với ngành y tế Quảng Nam nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên ở tuyến cơ sở, đồng thời giúp cán bộ chuyên môn có khả năng giải quyết độc lập các kỹ thuật y học và hỗ trợ tuyến dưới giải quyết tình trạng quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên.

Chuyển giao nhiều kỹ thuật quan trọng

Từ khi Đề án 1816 của Bộ Y tế đi vào hoạt động, tháng 9/2008 Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Quảng Nam đã từng bước tiếp nhận và triển khai nhiều kỹ thuật mới có sự hỗ trợ trực tiếp của các chuyên gia, cán bộ chuyên môn giỏi của BV Trung ương Huế, BV Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh, Hội Y học thể dục thể thao TP.Hồ Chí Minh về chuyển giao kỹ thuật, đào tạo tại chỗ cho các bác sĩ phẫu thuật của BV. Nhiều phương pháp kỹ thuật và trang thiết bị y tế được ứng dụng: máy tạo nhịp tạm thời và triển khai đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn cho những bệnh nhân nhịp tim chậm, đặt stent điều trị bệnh lý động mạch và vành tim. BV Nhi tiếp nhận cán bộ BV Nhi Trung ương về phẫu thuật nhi, Trung tâm y tế (TTYT) Hội An tiếp nhận cán bộ luân phiên từ BV C Đà Nẵng về hỗ trợ chuyên ngành ngoại khoa... Các cơ sở khám chữa bệnh ở tất cả các tuyến đã tích lũy được nhiều kiến thức mới, nhiều kinh nghiệm đắt giá từ tuyến trên. Chủ trương cử cán bộ luân phiên từ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới là một cơ hội rất tốt cho y tế cơ sở. Hầu hết các TTYT đều có nhu cầu gửi cán bộ về đào tạo tại BV nhằm nâng cao tay nghề cho đến khi có khả năng về triển khai độc lập ở cơ sở. Không chỉ có bác sĩ luân phiên từ tuyến Trung ương về tỉnh mà các bác sĩ tuyến tỉnh cũng nhiệt tình, hăng hái mang ánh sáng của Đề án 1816 về các huyện xa xôi để chuyển giao. Các TTYT trên toàn tỉnh đã thực hiện đề án thông qua việc viết kế hoạch thực hiện, thành lập các Ban chỉ đạo Đề án 1816 tại các TTYT huyện, đã cử cán bộ trực tiếp xuống các đơn vị để tham gia khám chữa bệnh cho nhân dân, đồng thời chuyển giao một số kỹ thuật chuyên môn cho tuyến dưới như chẩn đoán một số kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng với 45 lượt ở 18 huyện, thành phố. Số lượt người bệnh được cán bộ luân phiên khám, điều trị trực tiếp là 54.670. Các kỹ thuật siêu âm tổng quát, kỹ thuật chụp và đọc Xquang, nắn bó bột gãy xương, hậu phẫu… người bệnh ở các huyện Nam Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn, Phước Sơn... không cần phải đi xa khám bệnh khi những kỹ thuật này đã được thực hiện tại địa phương. Tại TTYT huyện Quế Sơn đã thực hiện một số phẫu thuật: kết hợp xương ngón tay: đóng đinh Kirschner xuôi dòng không mở ổ gãy, điều trị gãy cổ phẫu thuật trẻ em bằng 03 đinh Kirschner...

 Nhiều kỹ thuật cao đã được thực hiện ở tuyến huyện của Quảng Nam.

Nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân

Hiệu quả mang lại từ Đề án 1816 thuyết phục ở chỗ số lượng bệnh nhân điều trị tại các BV tuyến dưới tăng lên rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân chuyển lên tuyến trên theo đó cũng giảm. Tiếp nhận sự hỗ trợ từ BV Trung ương Huế, BV Nhi đồng 2, BV Từ Dũ, BV C Đà Nẵng... các BV trên địa bàn Quảng Nam từng bước khắc phục, hoàn thiện quy mô tổ chức khám chữa bệnh. Đến nay BVĐK Quảng Nam đã có đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên làm nòng cốt để thực hiện các kỹ thuật mới như: cắt phình động mạch chủ bụng và ghép động mạch chủ bằng Prothese, cắt phổi, u phổi, cắt gan, khâu gan vỡ, phẫu thuật nội soi khớp, phẫu thuật ung thư vú, phẫu thuật nội soi tiết niệu, ung bướu, siêu âm ngoại CTCH, ngoại bụng, phụ sản, chuẩn hóa các kỹ thuật chụp CT.Scanner, gây mê hồi sức và một số kỹ thuật khác như: bóc u cặn phổi/viêm mủ màng phổi, cắt nối phình động mạch chủ bụng, cắt TC qua nội soi… Và trong tháng 3/2011, tại BVĐK Quảng Nam, các chuyên gia y tế thuộc Tổ chức ADM (Pháp), Tổ chức Divimed (Đức) phối hợp với bác sĩ, y tá thuộc BV Trung ương Huế đến làm việc, chuyển giao kỹ thuật về nội soi can thiệp và gây mê trong nội soi cho các bác sĩ BVĐK Quảng Nam và TTYT các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hiệp Đức, Đại Lộc... Các bác sĩ đã thực hiện 3 ca qua nội soi đó là: rò đường mật sau chấn thương và cắt cơ vòng ODDI; lấy sỏi ống mật chủ; thắt vỡ giãn tĩnh mạch thực quản bằng vòng cao su để cầm máu. Được biết, đây là đợt chuyển giao kỹ thuật cao đầu tiên mà đoàn chuyên gia nước ngoài dành cho Quảng Nam. Với kỹ thuật nội soi này, bệnh nhân sẽ phục hồi sức khỏe nhanh, ít tốn kém.

Những mục tiêu mà đề án đề ra được thực hiện khá hiệu quả, nhận được sự đồng tình, hưởng ứng tích cực của đội ngũ y, bác sĩ từ tuyến Trung ương đến cơ sở. Đề án đã góp phần quan trọng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ y, bác sĩ, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các BV tuyến dưới, giảm tải cho các BV tuyến trên. Tuy vậy, còn một số khó khăn nảy sinh, trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu nguồn nhân lực để tiếp nhận các kỹ thuật từ tuyến trên về các BVtuyến tỉnh và huyện. Điều kiện đãi ngộ cho đội ngũ bác sĩ tăng cường còn hạn chế, bác sĩ về xã gặp nhiều khó khăn về nơi ăn nghỉ, phương tiện làm việc... Nhưng dù thế nào, đây vẫn là mô hình hiệu quả cho mạng lưới khám chữa bệnh được đồng bộ, thống nhất.      

Bài và ảnh: Minh Hiền


Ý kiến của bạn