Thực hiện Đề án 1816 về luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống hỗ trợ tuyến dưới của Bộ Y tế cho thấy, trên địa bàn tỉnh Sơn La, Đề án đã đạt được mục tiêu: nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là vùng sâu, vùng xa; chuyển giao công nghệ, đào tạo kỹ năng tay nghề, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ y tế ở tuyến dưới; giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.
Để thực hiện Đề án 1816 đạt hiệu quả, Sở Y tế Sơn La đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh và ban chỉ đạo thực hiện Đề án 10 huyện trong tỉnh; Quán triệt, phổ biến mục đích, ý nghĩa của Đề án gắn với phát động phong trào thi đua “Thầy thuốc như mẹ hiền” và Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế tới toàn thể cán bộ viên chức trong toàn ngành, đồng thời xây dựng Kế hoạch số 26/KH-SYT về tăng cường cán bộ chuyên môn từ đơn vị y tế tuyến tỉnh luân phiên hỗ trợ các đơn vị y tế tuyến huyện; các đơn vị tuyến huyện luân phiên hỗ trợ trạm y tế các xã; các y, bác sĩ trạm y tế xã luân phiên học tập nâng cao tay nghề tại bệnh viện đa khoa huyện, tỉnh, trung tâm y tế huyện.
Qua Đề án 1816, y tế Sơn La đã có chuyển biến đáng kể. |
Với thời gian luân phiên hỗ trợ từ 1-3 tháng, các cán bộ y tế tuyến trên đã hỗ trợ tuyến dưới về chuyên môn theo hình thức cầm tay chỉ việc, triển khai một số kỹ thuật mới như: siêu âm; điện trường châm, thủy châm; điện châm hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy; phẫu thuật nội soi cắt túi mật, viêm ruột thừa; kỹ thuật kết hợp xương dưới hướng dẫn của màn hình Xquang tăng sáng; khám, điều trị tật khúc xạ trẻ em; mổ lấy thai đường ngang; kỹ thuật cắt ruột thừa ngược dòng, cắt lách, cắt túi mật, gỡ dính ruột, cắt gan theo tổn thương... đồng thời trực tiếp khám, điều trị, phẫu thuật bệnh nhân, giúp cán bộ y tế tuyến dưới được “tai nghe, mắt thấy” nhằm dễ ứng dụng vào thực tế; không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế tuyến dưới mà còn giúp người dân trên địa bàn được tiếp cận với dịch vụ y tế kỹ thuật cao, giảm số lượng bệnh nhân phải chuyển tuyến.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Nguyên - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp, Sơn La cho biết: Thời gian qua, bệnh viện đã tiếp nhận 4 bác sĩ của Bệnh viện đa khoa tỉnh và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh hỗ trợ về chuyên môn như: phẫu thuật sản khoa; gây tê tủy sống cho phẫu thuật lấy thai; kỹ thuật gây mê đặt nội khí quản; các kỹ thuật đỡ đẻ thường và đẻ khó... Nhờ vậy, đã có gần 100 bệnh nhân được cứu chữa kịp thời theo những kiến thức được chuyển giao. Nếu không thực hiện Đề án 1816 thì bây giờ Bệnh viện chưa thể thực hiện được một số kỹ thuật trên trong việc khám, điều trị bệnh nhân. Việc thực hiện Đề án đã đáp ứng được nguyện vọng nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế trong huyện và giảm đáng kể chi phí cho người bệnh.
Bên cạnh đó, các đơn vị y tế tuyến trên còn đảm nhiệm việc nhận cán bộ y tế tuyến dưới lên luân phiên học tập tại đơn vị. Cũng vẫn với hình thức “cầm tay chỉ việc”, khi được luân chuyển lên tuyến trên học tập, đội ngũ y tế tuyến dưới đã được tiếp cận một số kiến thức, kinh nghiệm trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc bệnh nhân. BS. Quàng Văn Phong - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Pha (Thuận Châu, Sơn La) kể: Trong 3 tháng học tập tại Trung tâm Y tế huyện Thuận Châu, tôi đã học được nhiều kinh nghiệm trong việc khám, chữa bệnh; kỹ thuật đỡ các ca đẻ khó; khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế... Những kiến thức đó đã được áp dụng vào thực tế hằng ngày, góp phần bảo vệ sức khỏe ban đầu cho nhân dân.
Hiệu quả của Đề án 1816 đã rõ. Các cơ sở khám chữa bệnh trên tất cả các tuyến trong tỉnh đã tích lũy nhiều kiến thức mới, nhiều kinh nghiệm quý từ tuyến trên. Đề án 1816 quả là cơ hội “vàng” cho y tế cơ sở.
Bài và ảnh: Hồng Luận