ĐBQH ủng hộ quy định lái xe không được uống rượu bia nhưng băn khoăn về 'hơi thở zero'

23-11-2023 19:28 | Thời sự

SKĐS - Chiều 23/11, chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn Đồng Tháp đã nêu quan điểm liên quan đến quy định người tham gia giao thông không được sử dụng rượu bia tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Không nên phạt "hơi thở zero"

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, quy định lái xe không được uống rượu bia được người dân rất đồng tình ủng hộ, bản thân đại biểu cũng ủng hộ điều này. Tuy nhiên vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, quy định về nồng độ cồn trong hơi thở zero" (tức hàm lượng rất nhỏ, vẫn tỉnh táo để điều khiển phương tiện giao thông – PV) là không phù hợp.

Đại biểu nhấn mạnh sẽ nêu quan điểm và phản biện điều này trước nghị trường quốc hội. Đồng thời cho rằng: "Phải chấp nhận trong hơi thở có nồng độ cồn ở một giới hạn nhất định, theo quy định rõ ràng".

Phân tích thêm, ông Phạm Văn Hòa nói, hiện nay có một số thức ăn, đồ uống, gia vị bản thân đã có chứa nồng độ cồn. Vì vậy, khi người dân ăn uống vào và bị lực lượng chức năng đo và bị xử phạt. Điều này đã gây bất cập.

ĐBQH ủng hộ quy định lái xe không được uống rượu bia nhưng băn khoăn về 'hơi thở zero'- Ảnh 1.

ĐBQH Phạm Văn Hòa chia sẻ bên hành lang Quốc hội chiều 23/11.

"Thậm chí người dân uống một chút rượu bia buổi chiều tối hôm nay, đêm về nghỉ ngơi nhưng sáng mai đi làm và bị thổi nồng độ cồn vẫn bị phạt", đại biểu băn khoăn. 

Ông tiếp tục nhấn mạnh một lần nữa quan điểm, quy định người dân không được uống rượu bia khi lái xe là đúng. Nhưng bên cạnh đó phải có quy định rõ hơn về tỷ lệ cho phép, tức dưới ngưỡng bao nhiêu thì không bị xử phạt, trên ngưỡng đó thì bị xử phạt. Như vậy mới bảo đảm công bằng cho người dân.

Lấy ví dụ cụ thể, đại biểu cho rằng, người dân uống nửa chai bia, một ly rượu lễ nghĩa thì trong hơi thở đã có nồng độ cồn. Trong khi đó văn hóa của người Việt ở vùng nông thôn, của nhiều dân tộc thì mọi dịp đều có chai rượu, ly bia. Nếu quy định đưa ra một ngưỡng nhất định, người dân sẽ cảm thấy hợp lý.

Từ quan điểm và phân tích trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, chúng ta phải đánh giá khách quan các vụ TNGT, không phải tất cả các vụ TNGT đều do tài xế uống rượu bia.

"Uống từ hôm trước, hôm sau phạt" gây băn khoăn

Trước đó, tại phiên thảo luận ở Tổ về dự án luật này, ĐBQH Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cũng bày tỏ băn khoăn về việc cấm tuyệt đối trong máu có nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Ông Hiệp thừa nhận, khi vừa uống rượu, bia mà tham gia giao thông thì phải phạt.

"Tuy nhiên, buổi tối người dân uống rượu sáng hôm sau người ta đi làm, trong máu có nồng độ cồn bị phạt thì cũng băn khoăn. Hoặc người ta đi uống buổi trưa, buổi tối đêm đi xe lại bị phạt vì trong máu vẫn còn nồng độ cồn", ông Hiệp nói.

ĐBQH ủng hộ quy định lái xe không được uống rượu bia nhưng băn khoăn về 'hơi thở zero'- Ảnh 2.

ĐBQH Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế.

ĐBQH Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương lại đặt dấu hỏi rằng, không biết khi quy định cấm người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông trong máu có nồng độ cồn thì có tham khảo kinh nghiệm quốc tế không vì quy định như vậy không thực tế.

Ông Huân dẫn ví dụ ở Phần Lan, nếu uống 1 chai bia trong vòng 1 tiếng thì đảm bảo chất kích thích không còn đủ tác động và có thể điều khiển được xe. Trường hợp uống 2 chai bia thì sau 3 tiếng có thể điều khiển được xe.

"Còn ở ta thì cấm tuyệt đối. Ví dụ, tối qua chúng ta liên hoan thì sáng nay nồng độ vẫn còn và vi phạm. Cái đấy là không thực tế. Tối qua uống một chút, sáng nay họp vẫn tỉnh táo, vẫn phát biểu có làm sao đâu", ông Huân nêu.

Theo chương trình kỳ họp thứ 6, chiều mai (24/11) Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Trong dự thảo luật, hành vi bị nghiêm cấm nhận được nhiều ý kiến góp ý liên quan việc điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Một số ý kiến cho rằng nên cấm tuyệt đối theo tờ trình của Chính phủ. Trong khi đó, một số ý kiến khác lại nêu quan điểm uống rượu bia vượt ngưỡng cho phép thì mới cấm, mới phạt.
Nhiều tranh cãi xung quanh việc cấm người có nồng độ cồn lái xeNhiều tranh cãi xung quanh việc cấm người có nồng độ cồn lái xe

SKĐS - Mức độ đào thải cồn tùy thuộc vào mỗi cơ thể nhưng về nguyên tắc cồn sẽ phân hủy hết sau khoảng 6 - 8 giờ.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn