Chiều 25/11, tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp góp ý liên quan đến hoạt động quảng cáo trên báo in, báo nói, báo hình.
Theo ông Phạm Văn Hòa, hiện có 2 loại ý kiến về vấn đề này, đại biểu đề xuất thêm ý kiến thứ 3 là lược bỏ các quy định giới hạn về tỷ lệ diện tích quảng cáo trên báo, tạp chí truyền thống, để cơ quan báo chí tự quyết định diện tích quảng cáo theo nhu cầu bạn đọc và thị trường. Theo đại biểu, hiện thị phần quảng cáo trên báo in giảm mạnh, việc điều chỉnh diện tích quảng cáo báo in sẽ giải quyết căn bản khó khăn cho các cơ quan báo chí trong việc tự chủ tài chính.
Về quảng cáo trên báo nói, báo hình, hiện cũng đang có 2 loại ý kiến. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, cần đánh giá tác động chính sách nhằm tăng tính thuyết phục để quảng cáo trên truyền hình tăng từ 5-10%.
Cùng góp ý về vấn đề này, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh nêu quan điểm, quy định tại Điều 21 của Luật Quảng cáo 2012, diện tích quảng cáo không vượt quá 30% tổng diện tích ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm(trừ tạp chí chuyên quảng cáo) phải có dấu hiệu để phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Bà Thanh Thúy cho rằng, cần cân nhắc để điều chỉnh tăng gấp đôi diện tích quảng cáo so với quy định tại Điều 21 của luật hiện hành. Tăng diện tích quảng cáo như vậy là quá cao, không chỉ ảnh hưởng đến khối lượng, chất lượng của thông tin chính thống, mà cũng gây ảnh hưởng trái chiều, phản ứng trái chiều từ phía độc giả.
Vì vậy, đại biểu Thanh Thúy đề xuất diện tích quảng cáo không vượt quá 20% tổng diện tích của một sản phẩm báo hoặc 30% tổng diện tích của một ấn phẩm tạp chí từ báo, tạp chí chuyên quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
ĐBQH Trần Thị Thanh Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, trước xu thế phát triển của quảng cáo trên mạng thì việc tăng diện tích, tăng thời lượng quảng cáo cho báo chí là một trong những yếu tố quan trọng và rất cần thiết, phần nào góp phần cho các cơ quan báo chí tăng nguồn thu, giải quyết khó khăn trong việc thực hiện tự chủ tài chính.
Tuy nhiên, quan trọng vẫn là đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình và tăng chất lượng cho các nội dung quảng cáo chứ không chỉ tăng thời lượng, diện tích quảng cáo lên quá nhiều, dễ ảnh hưởng đến thị hiếu của bạn đọc, bạn xem đài.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động để việc quy định tăng diện tích, thời lượng quảng cáo có tỷ lệ thực sự phù hợp và thuyết phục hơn. Bên cạnh đó, cần có những quy định ràng buộc về tỷ lệ diện tích, vị trí quảng cáo đối với từng loại hình báo chí khác nhau.