Không khoan nhượng với tội phạm sản xuất, mua bán thuốc giả
Tại phiên thảo luận toàn thể ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sáng 27/5, nhiều ĐBQH nêu quan điểm, cần phải tăng mạnh mức án đối với tội danh sản xuất, buôn bán hàng giả, đặc biệt đối với mặt hàng thuốc chữa bệnh, thực phẩm giả, thực phẩm chức năng giả.
Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk bày tỏ nhất trí đối với dự thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi).
Tuy nhiên, đối với quy định về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh", bà Thu Nguyệt cho hay, tại điểm B, Khoản 4 quy định: Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tù chung thân không xem xét giảm án khi làm chết 2 người trở lên.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk.
"Tôi cho rằng, điều kiện quy định cho tội phạm này chưa tương xứng với tính chất, hành vi phạm tội và chưa thể hiện sự răn đe đối với loại tội phạm này trong thực tế", Bà Nguyệt nêu quan điểm
Dẫn chứng thực tế, đại biểu cho rằng, thời gian qua chúng ta đã thấy có những vụ việc, các đội tượng phạm tội với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, gây ra nhiều hậu quả rất nặng nề. Theo đại biểu, từ tội phạm này đã ảnh hưởng thiệt hại nặng nề về vật chất, tài sản, đặc biệt là xâm phạm đến sức khỏe, tính mạng của con người.
Đại biểu nêu quan điểm, cần phải có quy định mang tính răn đe hơn: "Nêu những vụ việc đó, để thấy rằng hậu quả của tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh đã cho thấy một điều là chúng ta không khoan nhượng với tội danh này, với loại phạm tội này".
Nữ đại biểu tỉnh Đắk Lắk trăn trở rằng, phải kiên quyết với tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh và thuốc phòng bệnh. Nếu khoan nhượng với tội danh này chúng ta vô hình chung sẽ tiếp tay cho vấn đề giết người hàng loạt trong tương lai sau này và ảnh hưởng đến cộng đồng.
Do đó, đại biểu đề nghị ban soạn thảo chỉnh lý lại các điều khoản cho phù hợp những nội dung trong quy định tại điều này trong Bộ Luật Hình sự.
Xâm hại tính mạng thầy thuốc là hành vi vô đạo đức, cần xử lý nghiêm
Cùng chia sẻ liên quan về vấn đề trên, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng cần nâng mức phạt tù đối với các tội danh về ma túy, vi phạm ATTP; đối với các tội danh sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng cần tăng mức phạt cao hơn.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đề nghị bổ sung đối tượng "Thầy thuốc chữa bệnh cho mình" vào điểm đ, khoản 1 điều 123 dự thảo Luật. Theo đó, hiện nội dung này chỉ mới quy định, người giết ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân, tù chung thân không xét giảm án hoặc tử hình.
Theo đại biểu, về mặt đạo lý, việc xâm phạm đến sức khỏe, thân thể người thân sinh ra mình, người dạy mình và người chữa bệnh cho mình là hành vi vô đạo đức, đáng bị xử lý nghiêm như nhau. Bên cạnh đó, đại biểu nêu thực trạng tại nước ta, cán bộ y tế bị đe dọa, bị hành hung, đánh đập rất nhiều, cũng không hiếm trường hợp đã bị giết chết.
"Vì vậy, rất mong dự thảo luật bổ sung để cán bộ y tế được yên tâm hành nghề", ông Nguyễn Anh Trí nói.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa – Đoàn ĐBQH TPHCM cho rằng, chúng ta cân đối giữa phạm nhân và tội nhân và cần xem xét ưu tiên bảo vệ ai.
"Có những hành vi có tác hại ngấm ngầm rất lâu mới phát hiện ra và cũng có thể ảnh hưởng tới cả thế hệ. Chúng ta thử tưởng tượng những đứa trẻ sơ sinh sử dụng phải thực phẩm giả, thuốc giả và bị tai biến, bị bệnh suốt cả cuộc đời thì sao?", ông Trương Trọng Nghĩa nói.
Từ đó, ông Nghĩa cho hay, chúng ta có những hình phạt tử hình nhưng không có nghĩa là lúc nào cũng áp dụng. Muốn hạn chế hình phạt tử hình thì chúng ta thiết kế ra các điều khoản; thiết kế đường lối xét xử.