Xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải lắp camera hành trình?
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nêu quan điểm, dữ liệu giám sát hành trình rất quan trọng và phải được chuyển về Trung tâm giám sát phục vụ công tác bảo đảm ATTTGT. Từ đó có thể ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi nguy hiểm tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông… Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn về đối tượng áp dụng còn khá rộng.
Cụ thể, tại điểm c khoản 1 Điều 33 về điều kiện tham gia giao thông có quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình. Thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh của người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm an toàn theo quy định.
Nữ đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, quy định như vậy có thể hiểu tất cả các loại xe, bao gồm cả xe cá nhân, không loại trừ xe thuộc các trường hợp có quy định riêng của Đảng, Nhà nước đều phải gắn giám sát hành trình. Từ đó đề nghị cần phải cân nhắc tính phù hợp và thống nhất giữa luật này với các luật khác cũng như các quy định, các điều khoản có liên quan theo hướng chỉ quy định giám sát hành trình đối với ô tô kinh doanh, hợp đồng vận tải, xe khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển.
Còn ĐBQH Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước bày tỏ băn khoăn trước quy định "xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh người lái xe, dữ liệu hình ảnh bảo đảm hành trình theo quy định".
Dù thống nhất với cơ sở dữ liệu thu từ thiết bị giám sát sẽ được Trung tâm chỉ huy nhằm mục đích điều hành giao thông, giải quyết các vấn đề về vi phạm, phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, đến tháng 6/2023, cả nước có trên 6 triệu xe ô tô, 73 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Nếu dự thảo luật được thông qua sẽ có hàng chục triệu xe máy buộc lắp camera hành trình nên khó bảo đảm tính khả thi.
Chưa nước nào bắt lắp camera hành trình cho xe máy
Bà Điểu Huỳnh Sang nhấn mạnh: "Vẫn chưa có đất nước nào quy định bắt buộc xe máy phải lắp camera hành trình. Tại nhiều quốc gia phát triển, người dân không lắp đặt camera hành trình để chứng minh sự trong sạch, thay vào đó cơ quan chức năng phải chứng minh chủ xe vi phạm giao thông thì mới được xử phạt".
Đồng thời, đại biểu cho rằng, việc yêu cầu lắp thiết bị này cũng vi phạm hay quyền về riêng tư, bảo vệ bí mật đời tư của công dân. Chưa kể đến khi lắp vào xe sẽ can thiệp vào hệ thống điện, gây mất nguy cơ an toàn. Số lượng xe máy quá lớn gây khó khăn cho cơ quan chức năng kiểm soát.
Đặc biệt, đại biểu phân tích thêm, thu nhập của người dân còn thấp, đời sống gặp nhiều khó khăn, chưa kể vùng sâu – vùng xa, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn thì việc mua được một chiếc xe máy đã là điều khó khăn. Giờ nếu quy định như vậy thì người dân phải chi ra một khoản để lắp camera hành trình cũng phải xem xét lại…
Cuối cùng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo chỉ quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như quy định hiện hành và quy định cụ thể hơn về Trung tâm tích hợp, phân tích dữ liệu để quản lý và sử dụng hiệu quả hơn, tránh lãng phí.
Đối với xe ô tô cá nhân và xe máy cũng đề nghị Ban soạn thảo quy định theo hướng khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình và cơ quan quản lý nhà nước nên tổ chức thí điểm và có lộ trình phù hợp để tránh gây hiệu ứng ngược.
ĐBQH Sùng A Lềnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai bày tỏ tán thành với ý kiến các ĐBQH đã phát biểu. Theo ông Hầu A Lềnh, quy định này cần phải được cân nhắc kỹ khi áp dụng. Đại biểu cho hay, mỗi người dân đều phải trang bị thiết bị giám sát hành trình trên phương tiện cá nhân của mình mà chi phí mức độ an toàn, bảo mật chưa được đánh giá kỹ. Bên cạnh đó, quy định này có khả năng ảnh hưởng đến quyền bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 21 của Hiến pháp.
Do vậy, ông Sùng A Lềnh đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu theo hướng chỉ áp dụng đối với loại hình phương tiện xe ô tô kinh doanh vận tải, các phương tiện khác còn lại thì khuyến khích tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện.