ĐBQH: Nếu chỉ 'nếm rượu' thôi thì vẫn... ổn để kiểm soát hành vi khi lái xe

24-11-2023 16:46 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại phiên thảo luận về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ chiều nay (24/11), nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã cho ý kiến liên quan đến khoản 1, Điều 8 về hành vi bị cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

"Nồng độ cồn bằng 0" chưa bảo đảm tính khoa học

Chiều 24/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB). Một trong các vấn đề được ĐBQH quan tâm liên quan tới khoản 1, Điều 8 về hành vi bị cấm "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, dư luận xã hội cũng như tại buổi thảo luận ở Tổ về dự án luật TTATGTĐB cho thấy nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi về quy định "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".

Theo đại biểu, quy định này có tác động trực tiếp đến nhiều đối tượng, không chỉ theo phong tục tập quán mà còn liên quan đến nhiều yếu tố. Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phù hợp với các quy định về y tế cũng như chưa bảo đảm tính khoa học.

Phân tích kỹ hơn về điều này, đại biểu Huỳnh Thị Phúc nói: "Theo các chuyên gia y tế cũng như thực tế, có những người tham gia điều khiển phương tiện giao thông không sử dụng rượu bia hoặc chất có nồng độ cồn, tuy nhiên do điều kiện cơ thể sinh học hoặc quá trình chuyển hóa thức ăn thì có thể thời điểm đó trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức 0".

ĐBQH: Nếu chỉ 'nếm rượu' thôi thì vẫn... ổn để kiểm soát hành vi khi lái xe- Ảnh 1.

ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Do đó, nữ đại biểu tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần có sự phối hợp với các cơ quan chuyên ngành như Bộ Y tế, các chuyên gia nghiên cứu kỹ lưỡng nội dung này để khi luật ban hành thu hút sự quan tâm, ủng hộ của người dân và thực hiện tốt hơn.

Cùng quan điểm, ĐBQH Lê Hữu Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho hay, quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông cần phù hợp với điều kiện thực tế.

ĐBQH: Nếu chỉ 'nếm rượu' thôi thì vẫn... ổn để kiểm soát hành vi khi lái xe- Ảnh 2.

ĐBQH Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa.

Đại biểu phân tích thêm, việc xử lý quyết liệt vi phạm liên quan đến nồng độ cồn có tác dụng tích cực nhất định về thay đổi ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, hạn chế TNGT.

Tuy nhiên, quy định này cũng có phần chưa phù hợp dưới góc độ văn hóa, tập quán sinh hoạt của người Việt Nam, cũng như góc độ sinh học… Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, kỹ lưỡng quy định này trên cơ sở đảm bảo yêu cầu thực tiễn, các căn cứ khoa học, đảm bảo tính khả thi.

"Có lái xe chỉ nghĩ tới vợ là 'tim đập chân run' mà chưa cần uống rượu"

Phát biểu tranh luận với các ý kiến ĐBQH liên quan đến quy định này, ĐBQH Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh cho rằng, chúng ta đang muốn kiểm soát năng lực hành vi, rượu là tác nhân gây ảnh hưởng tới năng lực hành vi.

Đại biểu Bế Trung Anh phân tích, nếu dùng nhiều quá thì không kiểm soát được năng lực, hành vi. Nếu chỉ "nếm rượu" chắc vẫn ổn. Thế nên chúng ta nên phân biệt năng lực hành vi và câu chuyện dùng rượu hay không dùng. Câu chuyện này, chúng ta chỉ mắc ở việc kiểm soát hành vi và tác nhân gây ra năng lực, hành vi đó.

ĐBQH: Nếu chỉ 'nếm rượu' thôi thì vẫn... ổn để kiểm soát hành vi khi lái xe- Ảnh 3.

ĐBQH Bế Trung Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tranh luận.

Lấy ví dụ cụ thể, đại biểu Bế Trung Anh nói: "Tác nhân gây ra năng lực hành vi kém không chỉ có rượu mà còn có cả cocain. Thậm chí có những anh lái xe mà chỉ nghĩ đến vợ thì "tim đập chân run" thì cũng không thể điều khiển được xe nữa. Tôi nghĩ rằng, chúng ta cũng nên có kiểm soát việc này".

Trong khi đó, ĐBQH Đặng Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình lại bày tỏ quan điểm ủng hộ quy định như dự thảo luật.

Đại biểu nêu quan điểm: "Phải khẳng định rằng, thời gian qua Bộ Công an đã rất quyết liệt trong việc chỉ đạo, xử lý vi phạm về nồng độ cồn với người tham gia giao thông. Điều này đã góp phần quan trọng bảo đảm ATGT, trật tự xã hội, phòng ngừa nguy cơ tai nạn, hạn chế các vụ TNGT thương tâm xảy ra. Đồng thời góp phần xây dựng nhận thức thói quen của người dân trong việc tham gia giao thông, hình thành thói quen "đã uống rượu bia thì không lái xe".

ĐBQH: Nếu chỉ 'nếm rượu' thôi thì vẫn... ổn để kiểm soát hành vi khi lái xe- Ảnh 4.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Đồng thời, đại biểu Đặng Bích Ngọc còn cho rằng điều này đã tạo niềm tin rất lớn cho cử tri, nhân dân. Cơ quan chức năng đã xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không có ngoại lệ. Dù người vi phạm là ai, kể cả những cán bộ trong ngành nếu vi phạm đều bị xử phạt theo đúng quy định để làm gương cho nhân dân. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm này còn làm tăng thu ngân sách. Chính vì vậy, đại biểu ủng hộ như quy định tại dự thảo luật.

ĐBQH ủng hộ quy định lái xe không được uống rượu bia nhưng băn khoăn về "hơi thở zero"ĐBQH ủng hộ quy định lái xe không được uống rượu bia nhưng băn khoăn về 'hơi thở zero'

SKĐS - Chiều 23/11, chia sẻ với Báo Sức khỏe và Đời sống bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn Đồng Tháp đã nêu quan điểm liên quan đến quy định người tham gia giao thông không được sử dụng rượu bia tại dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn