Nên có giới hạn về thời hạn sử dụng
Cho ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, đây là vấn đề rất nhạy cảm, hệ trọng, do đó đại biểu đề nghị nên cân nhắc.
Đối với quy định cá nhân người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua nhà đất, theo ông Phạm Văn Hòa quy định như vậy là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hằng năm số lượng rất nhiều.
Phân tích thêm, ông Phạm Văn Hòa cho rằng, nên chăng chỉ quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam. Trong khi đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định "người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài".
Đại biểu Đoàn tỉnh Đồng Tháp dẫn chứng, thời gian qua, dư luận rất bất bình cho việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức người Việt Nam "thâu tóm" nhiều đất đai ở một số nơi, nhất là các thành phố có giá trị đắt đỏ, thành phố du lịch. Nếu như có quy định trong luật thì cũng cần nên có giới hạn về thời hạn sử dụng.
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Đoàn ĐBQH TP. HCM cho ý kiến về quyền và nghĩa vụ của người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Điểm c Điều 22 quy định là trường hợp cá nhân người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam đang sinh sống ở trong nước hoặc kết hôn với người Việt Nam định cư nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở và có các quyền của chủ sở hữu nhà ở theo quy định của luật này.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh đề nghị xác định là các quyền của chủ sở hữu theo quy định của luật này là quyền như công dân Việt Nam hay là quyền của người nước ngoài, vì theo dự thảo luật thì quyền của công dân Việt Nam và quyền của người nước ngoài về sở hữu nhà ở tại Việt Nam là khác nhau. Bên cạnh đó, Điều 23 khi quy định về nghĩa vụ, chúng ta cũng xác định là nghĩa vụ của những người này là có nghĩa vụ của chủ sở hữu như là công dân Việt Nam. Đại biểu cũng đề nghị làm rõ thêm điểm c khoản 2 Điều 22 để cho nó phù hợp, đó là quyền của công dân Việt Nam hay là quyền của người nước ngoài.
Đánh giá kỹ lưỡng để tránh việc lợi dụng
ĐBQH Trần Chí Cường – Đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng cho ý kiến về vấn đề tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Đại biểu cho rằng, nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Bên cạnh đó, liên quan nội dung này, tại điểm c khoản 1 Điều 19 quy định: "cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam". Khoản 3 Điều 21 quy định về điều kiện được sở hữu nhà ở đối với cá nhân người nước ngoài. Tuy nhiên, quy định như vậy theo đại biểu là quá rộng, cần phải được nghiên cứu, cân nhắc.
Đặc biệt đại biểu cũng lưu ý việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng với mục đích đi du lịch thì có quyền được sở hữu nhà ở hay không.
ĐBQH Vũ Tuấn Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, về quy định về sở hữu nhà ở riêng lẻ đối với cá nhân người nước ngoài, quy định tại Điều 35 của dự thảo luật. Dự thảo luật quy định cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ, đồng thời cá nhân nước ngoài được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở với thời hạn tối đa là 50 năm và có thể được gia hạn. Cá nhân người nước ngoài được bán nhà ở này cho các đối tượng thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo đại biểu, như vậy có thể hiểu đối với nhà ở riêng lẻ thì cá nhân người nước ngoài có quyền sử dụng đất gắn với nhà ở riêng lẻ và có thể gia hạn, mà luật thì không quy định thời gian gia hạn tối đa, do đó quyền sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài có nhà ở riêng lẻ cũng có thể coi như là sử dụng lâu dài.
Mặt khác, trường hợp cá nhân người nước ngoài bán nhà ở riêng lẻ cho người nước ngoài khác thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và thời hạn không quá 50 năm. Đại biểu Vũ Tuấn Anh cho rằng, nếu cứ như vậy thì thời hạn sở hữu nhà đối với cá nhân người nước ngoài theo quy định của luật này sẽ không còn ý nghĩa.
Đại biểu cho rằng, đây là quy định mới trong dự thảo luật cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để tránh việc lợi dụng, gây tác động xấu đến phát triển KT-XH và quốc phòng, an ninh. Trường hợp cần thiết thì có thể quy định thí điểm trong một phạm vi nhỏ, sau đó đánh giá tổng kết để đưa vào dự thảo luật.