ĐBQH lo lắng dịch COVID-19 sẽ làm tăng người nghèo

27-07-2021 14:09 | Thời sự
google news

SKĐS - Thảo luận tại hội trường, nhiều ĐBQH cho rằng, dịch COVID-19 đang bùng phát sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, xã hội, nhất là các đối tượng yếu thế, trong đó có người nghèo.

Ngày 27/7, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất – Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Nêu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Thị Minh Trang (đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho biết, trong điều kiện nguồn lực ngân sách có hạn, việc thực hiện chương trình trong bối cảnh mới sẽ phải đối diện với những khó khăn, thách thức và yêu cầu mới, nhất là khi áp dụng chuẩn nghèo mới thì tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ tăng lên đáng kể. Cùng với đó, đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp tiêu cực đến nhóm đối tượng yếu thế đã khó khăn này sẽ càng khó khăn và khó tiến về phía trước hơn. Thực trạng đó sẽ tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu và các chỉ tiêu để giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

ĐBQH Trần Quanh Minh (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu quan điểm, hiện nay kinh tế - xã hội gặp khó khăn vì dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tuy nhiên, Chính phủ đã quan tâm thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đồng thời quyết tâm trình Quốc hội thông qua để kịp thời ban hành hai Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình giảm nghèo bền vững. Đây là chương trình thể hiện tính nhân văn sâu sắc, quan tâm đến những địa bàn đặc biệt khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm phát triển. Quan tâm đến bộ phận những người yếu thế trong xã hội nhằm thể hiện tinh thần cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Còn ĐBQH Trần Chí Cường (đoàn ĐBQH TP. Đà Nẵng) nêu đề xuất, trên cơ sở thực trạng hiện nay, nhất là trong điều kiện tác động ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cần đánh giá nhu cầu theo đối tượng địa phương, vùng, miền để có sự bố trí phân kỳ ưu tiên đầu tư đảm bảo có trọng điểm, tập trung để chương trình đạt hiệu quả cao nhất, khắc phục việc đầu tư dàn trải.

Đề xuất trước Quốc hội mong muốn cần quan tâm đồng đều đến các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, ĐBQH Trần Thị Mai Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) nhấn mạnh: “Nhóm hộ cận nghèo và mới thoát nghèo là nhóm có ranh giới rất mong manh, có thể chuyển sang hộ nghèo bất cứ lúc nào, chỉ cần một tác động rất nhỏ trong đại dịch COVID-19. Cùng với điều này, cần quan tâm hơn tới những hộ không phải là hộ nghèo nhưng sống trong cùng khu vực với các hộ nghèo, trong địa bàn nghèo, nhưng hộ này phải được quan tâm bằng những chính sách cụ thể để họ có thể trở thành những hạt nhân, hỗ trợ cho những hộ nghèo xung quanh và liên kết cùng với các hộ nghèo để đưa cộng đồng thoát nghèo".

Phát biểu tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. Vừa qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo của chúng ta đã đạt được những thành tựu nổi bật. Chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, ngân sách nhà nước huy động nguồn lực xã hội ngày càng tăng, ý chí vươn lên của người dân được nâng lên, các tấm gương thoát nghèo và các điển hình ngày càng nhiều.

Chương trình quốc gia về giảm nghèo có đối tượng và địa bàn là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc. Trong đó bao gồm các đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau, trong đó kể cả những ảnh hưởng do COVID-19, đối tượng nghèo, kể cả ở nông thôn và thành thị.


Lê Bảo - Hoàng Lê
Ý kiến của bạn