Những ngày gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ ngay trong bệnh viện tại TP.HCM. Trước đó cũng đã xảy ra rất nhiều vụ người nhà bệnh nhân hành hung dã man nhân viên y tế, khiến dư luận bức xúc.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân cho rằng, bất kỳ ai hành hung người khác cũng là vi phạm pháp luật, tùy tính chất, mức độ mà bị phải xử lý hành chính hay hình sự. Bệnh viện là nơi y bác sĩ chữa trị cho người bệnh, là nơi phải thực thi pháp luật về bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cao nhất mà lại xảy ra việc hành hung bác sĩ - người đang cứu chữa cho người bệnh – thì rõ ràng là hành vi đáng lên án, cần phải xử lý nghiêm.
- Thưa ông, hiện nay tình trạng hành hung nhân viên y tế ngay tại bệnh viện đang ngày càng nhiều. Cũng có ý kiến cho rằng bạo lực tại cơ sở y tế thường gắn liền với những tiêu cực trong đội ngũ nhân viên y tế, nhưng thực tế rất nhiều trường hợp bạo lực không hề xuất phát từ sai sót của nhân viên y tế, thậm chí không phải sai sót từ ngành y. Ông nhìn nhận thế nào về vấn đề này?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tình trạng bạo lực, hành hung nhân viên y tế ngay trong bệnh viện có thể có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi có lẽ có 2 nguyên nhân chính.
Nguyên nhân thứ nhất có thể từ phía các nhân viên y tế. Phải thẳng thắn nhìn nhận là cũng có nhân viên y tế còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm, khiến người dân bức xúc. Nhiều người, vì mong muốn người nhà của họ sớm được chữa trị, họ bức xúc vì nhân viên y tế chưa quan tâm đúng mức, nên dẫn đến có hành vi gây rối, hành hung y bác sĩ ngay tại bệnh viện.
Nguyên nhân thứ 2 theo tôi là yếu tố tâm lý. Nhiều người nhà bệnh nhân cho rằng trách nhiệm của y bác sĩ phải chữa khỏi bệnh cho người nhà họ, khi không thể chữa khỏi được thì họ bức xúc, cho rằng đội ngũ y bác sĩ không nhiệt tình, rồi suy diễn rằng không có tiền lót tay, không có quan hệ nên y bác sĩ gây khó dễ… Từ suy nghĩ đó họ bức xúc, mất kiểm soát, dẫn đến có những hành vi bạo lực với y bác sĩ.
Tất nhiên, nhìn lại các vụ hành hung y bác sĩ thời gian qua thì có thể thấy, phần nhiều là do các đối tượng quá khích, a dua, hùa theo, kích động, tỏ ra yêng hùng, ra tay hành hung nhân viên y tế ngay trong cơ sở khám chữa bệnh. Đây là tình trạng khá nóng bỏng, bức xúc từ nhiều năm nay.
Riêng chuyện gây rối thôi đã tác động rất lớn đến tâm lý của đội ngũ y bác sĩ, họ không thể yên tâm để mà tập trung chữa trị cho người bệnh. Để y bác sĩ lúc nào cũng có tâm lý sợ hãi, tâm lý đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng khám chữa bệnh.
- Ông có cho rằng, sở dĩ ngày càng để xảy ra nhiều vụ việc hành hung bác sĩ ngay tại bệnh viện là do chúng ta chưa có chế tài bảo vệ y bác sĩ như một người đang thực thi công vụ?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Như trên tôi đã đề cập, các vụ hành hung bác sĩ chủ yếu xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân. Nếu hai nhóm nguyên nhân đó được khắc phục thì tình trạng này sẽ được khắc phục.
Với nhóm nguyên nhân đến từ phía bệnh viện, theo tôi bên cạnh việc tăng cường giáo dục ý thức, đạo đức với nhân viên y tế, còn phải coi việc ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh, người nhà bệnh nhân là một chỉ số để đánh giá hiệu quả công việc. Bộ Y tế đã ban hành quy tắc ứng xử của y bác sĩ và người lao động làm việc tại các cơ sở y tế. Cần coi đó là tiêu chí đánh giá năng lực, hạnh kiểm của từng nhân viên y tế, từ đó có tiêu chí đánh giá cơ sở y tế đó.
Bên cạnh đó, rất cần sự quan tâm của nhà nước, để làm sao có sự phân bố cơ sở khám chữa bệnh cho hợp lý, không dẫn đến tình trạng quá tải ở các bệnh viện công, không gây quá nhiều áp lực lên đội ngũ y bác sĩ, từ đó cũng sẽ góp phần giảm thiểu các vụ gây rối, hành hung y bác sĩ.
Với nhóm nguyên nhân thứ 2, đó là hành vi chủ động tấn công hành hung y bác sĩ từ phía người nhà bệnh nhân, có thể do họ nhận thức không đầy đủ, họ bị xúc động tâm lý, hoặc có người xem thường pháp luật. Để ngăn chặn được thì phải củng cố quy định của pháp luật cho chặt chẽ, chẳng hạn khám chữa bệnh cần quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi bên, tôn trọng kỷ cương, kỷ luật trong bệnh viện như thế nào, thậm chí có thể sửa đổi bổ sung các chế tài, hình phạt từ hành chính đến hình sự sao cho đủ sức răn đe. Trong nhiều vụ việc, cần đưa ra xử lý công khai, thật nghiêm, để làm gương.
- Theo ông, có nên coi bác sĩ là người đang thực thi công vụ? Có cần bổ sung điều Luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm, đe dọa thầy thuốc khi thi hành nhiệm vụ?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Khám chữa bệnh là một hoạt động nghiệp vụ và ngày nay trở thành một dịch vụ xã hội trong đó có cả dịch vụ công và dịch vụ tư. Hiện nay, theo quy định, bác sĩ khám chữa bệnh không được coi là đang thực thi công vụ. Nhưng dù thế nào, luật pháp nhất định phải được thực thi bình đẳng ở tất cả các khu vực, cho dù là công hay tư. Đặc biệt là ở lĩnh vực y tế - nơi phải làm công việc cứu chữa người bệnh – các y bác sĩ phải được bảo đảm an toàn tuyệt đối. Đó là yêu cầu cấp thiết đặt ra đối với hệ thống pháp luật hiện nay.
Trước mắt, để cán bộ nhân viên y tế yên tâm công tác, tôi cho rằng ngay các bệnh viện cũng cần chú trọng đến công tác bảo vệ. Các cơ quan chức năng cần tăng cường đảm bảo an ninh trật tự khu vực xung quanh bệnh viện như các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phục vụ người dân khi đến khám chữa bệnh, đảm bảo an toàn giao thông trước các cổng bệnh viện...
- Trong bối cảnh ngành y tế đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt dịch chồng dịch càng tạo áp lực lớn trong khi chế độ đãi ngộ y bác sĩ chưa tương xứng; nhân viên y tế thay vì được ghi nhận, được bảo vệ để yên tâm làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh, thì họ lại phải đối mặt với những hiểm nguy từ chính người nhà bệnh nhân... Là một đại biểu Quốc hội, ông có chia sẻ với ngành y tế trong bối cảnh hiện nay?
ĐBQH Lê Thanh Vân: Tôi rất chia sẻ với thực trạng của ngành y tế hiện nay. Có thể nơi này nơi kia xảy ra vi phạm. Nhưng không vì thế mà ta nhìn nhận ngành y tế với con mắt tiêu cực. Chúng ta cần phải nhìn vào cả tập thể, nhìn vào những thành tựu của ngành y tế từ trước tới nay để thấy được vai trò quan trọng, sự cống hiến to lớn của ngành y tế đối với nhân dân, với đất nước.
Gần đây nổi lên thực trạng nhiều nhân viên y tế trong các cơ sở y tế công phải nghỉ việc, vì lý do áp lực công việc, vì thu nhập chưa tương xứng… Thực tế, không chỉ ngành y tế, mà ở tất cả các ngành, khi đời sống, thu nhập của cán bộ, công nhân viên chưa được bảo đảm thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập.
Trong bối cảnh dịch chồng dịch, áp lực đối với ngành y ngày càng lớn, tôi cho rằng, ngay bây giờ nhà nước cần có chính sách để quan tâm hơn nữa đến lực lượng đông đảo y bác sĩ ngày đêm đang làm việc tận tụy hết mình, hy sinh và cống hiến quên mình, nhất là trong đại dịch vừa rồi, rất nhiều y bác sĩ cống hiến hết mình, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì sức khỏe của nhân dân. Quan tâm đến đời sống, thu nhập của y bác sĩ, có thể bằng nhiều cơ chế chính sách khác nhau, nhưng theo tôi, cần đề cao tính tự chủ, trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các các cơ sở y tế khám chữa bệnh.
- Xin cảm ơn ông!