Sáng 4/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về Đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2025.
Cho ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nêu, Việt Nam đang bước vào thời kỳ già hóa dân số mà Báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nhìn nhận. Theo đó, đến năm 2036 Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu dân số già; năm 2039 Việt Nam kết thúc thời kỳ cơ cấu dân số vàng, bước vào thời kỳ cơ cấu dân số rất già. Điều này kéo theo nhiều hệ lụy như: Tốc độ tăng trưởng giảm; tạo ra nhu cầu sống còn phải cải thiện chất lượng nguồn năng lực và tăng năng suất khác để duy trì tăng trưởng.
Bên cạnh đó sẽ gây áp lực ngày càng gia tăng với hệ thống hưu trí và y tế; tạo thêm nhưng thách thức đối với nguồn tài chính của quốc gia; hệ thống chăm sóc cho người cao tuổi sẽ sớm trở thành mối trở ngại. Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh Pháp lệnh dân số bằng Luật Dân số trở nên cấp thiết. Trong lộ trình xây dựng Luật đề nghị Chính phủ chú trọng một số điểm, cụ thể:
Thứ nhất, đảm bảo quy định quyền quyết định sinh con của mỗi cặp vợ/chồng; thời gian sinh con; số con và khoảng cách. Những điều này cần được cụ thể hóa, hỗ trợ bằng các biện pháp đi cùng như: doanh nghiệp không được sa thải phụ nữ đang mang thai; miễn giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cặp vợ chồng đang mang thai, nuôi con nhỏ.
"Nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên cả nước, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét hình thức kỷ luật khi sinh con thứ 3 còn phù hợp hay không để có điều chỉnh phù hợp, kịp thời", Bà Tâm kiến nghị.
Thứ hai, cả nước có hơn 16 triệu người cao tuổi (chiếm hơn 16% dân số). Tuy nhiên mới có khoảng 5,4 triệu người được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trợ cấp người có công và trợ cấp xã hội. Như vậy, còn khoảng 65% số người cao tuổi chưa được hưởng trợ cấp xã hội của nhà nước.
So sánh tương quan với các đối tượng khác, người cao tuổi có nhiều thiệt thòi trong tiếp cận, thụ hưởng các chính sách. Vì thế, để khắc phục tình trạng tốc độ tăng trưởng theo đầu người giảm xuống; bên cạnh việc năng cao hiệu suất việc làm thì việc hỗ trợ cơ chế để người lao động tham gia thị trường lao động hợp lý là cần thiết để nâng cao thu nhập, mức sống cho người cao tuổi cũng như giảm gánh nặng an sinh xã hội.
Cụ thể: cần quy định tối đa số giờ, mức lương tối thiểu phải trả cho người cao tuổi tham gia lao động, chính sách cho vay vốn, học nghề đối với người cao tuổi có mong muốn khởi nghiệp…
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng và số lượng cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi, đại biểu đề nghị khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào công tác chăm sóc người cao tuổi, cụ thể: cần miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phát triển nhà ở dưỡng lão trong một số năm đầu; cung cấp các khoản vay ưu đãi với lãi suất thấp; tạo quỹ hỗ trợ từ Chính phủ để cung cấp các khoản tài trợ hoặc bảo lãnh tín dụng cho các dự án phát triển nhà dưỡng lão; có chính sách khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi ở Việt Nam.