Tại phiên thảo luận ở Tổ về dự án Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB) ngày 10/11, ĐBQH Cao Thị Xuân – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho biết, tại Điều 8 dự thảo luật có quy định hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Đại biểu cho rằng, quy định này được luật hóa tại Nghị định 100 – tất cả trường hợp tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đều vi phạm và bị xử phạt. Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ có tổng kết, đánh giá tác động việc thực hiện Nghị định 100/2019 trong thời gian qua.
Bà Cao Thị Xuân nói thêm: "Quốc hội bấm nút thông qua dự án luật này phải có tính toán, rà soát kỹ lưỡng vì quy định trên có tác động rất lớn". Đồng thời, đại biểu đặt câu hỏi rằng, phải có nồng độ bao nhiêu mới phải xử phạt và đề nghị cơ quan soạn thảo báo cáo Quốc hội việc tổng kết Nghị định 100.
Cùng quan điểm này, ĐBQH Lê Trường Lưu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, một số đại biểu có ý kiến đề nghị bổ sung thêm quy định vượt tiêu chuẩn quy định vào Khoản 1, Điều 8 thành "điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt tiêu chuẩn quy định".
Do đó, đại biểu Lê Trường Lưu đề nghị giao cho Chính phủ căn cứ vào kinh nghiệm các nước, căn cứ vào sức khỏe của người Việt Nam, tiêu chuẩn của ngành y tế để khống chế một tỷ lệ phù hợp, không nên tuyệt đối hóa tỷ lệ nồng độ cồn này.
Trong khi đó, ĐBQH Vũ Xuân Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa lại bày tỏ quan điểm và đồng tình với quy định cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Ông Hùng cho rằng, qua thẩm tra dự án luật, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Về ý kiến thứ nhất, đại biểu này cho rằng, dự án luật quy định như Nghị định 100 là yêu cầu nồng độ cồn bằng 0. Điều này có mục tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông. Quy định này được đa số ý kiến nhất trí, đồng tình.
Về ý kiến thứ hai, đại biểu Vũ Xuân Hùng nói, nhiều ý kiến cho rằng, nên quy định các hành vi bị cấm với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là quy định theo tỷ lệ nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở.
Theo đại biểu, qua khảo sát của 177 nước trên thế giới về quy định phòng chống tác hại rượu bia có 25 nước quy định bằng nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở bằng 0. Như vậy, cứ uống rượu bia vào, có nồng độ cồn trong hơi thở là vi phạm. Phần lớn các nước còn lại có những quy định khác nhau về các hành vi bị cấm với tỷ lệ nồng độ cồn trong máu và hơi thở khác nhau.
Tại Điều 8 dự thảo Luật TTATGTĐB nêu lên 28 hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có việc "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Tại Báo cáo thẩm tra dự án luật của Ủy ban Quốc phòng, An ninh nêu: Một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cấm tuyệt đối người "Điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn" (khoản 1). Một số ý kiến khác nhất trí với quy định này, vì thực tiễn thực hiện đã chứng minh tính hiệu quả.