Hà Nội

ĐBQH: Không nên dành tiền xây dựng những con đường 'đắt nhất hành tinh'

27-11-2023 11:50 | Thời sự
google news

SKĐS - Góp ý vào dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH Hoàng Văn Cường cho rằng, cần phát triển mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD), không chỉ với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị.

Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Phiên thảo luận được điều hành bởi Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phát biểu ý kiến tại hội trường, ĐBQH Tạ Thị Yên – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ nhất trí cao với các nội dung của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội theo yêu cầu tại các văn kiện là phải xây dựng, phát triển Thủ đô nhằm đáp ứng nguyện vọng và mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước…

ĐBQH: Không nên dành tiền xây dựng những con đường 'đắt nhất hành tinh'- Ảnh 1.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Đại biểu cũng đánh giá cao các quy định phân cấp, phân quyền cho chính quyền Thủ đô trong quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, bảo đảm thực hiện quy hoạch, quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan. Đồng thời xây dựng, tái thiết đô thị để thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 15 của Trung ương về tập trung triển khai quy hoạch đầu tư xây dựng ổn định dân cư 2 bên bờ sông Hồng và sông Đuống.

Từ đó, đại biểu Tạ Thị Yên cho rằng, cần thiết bổ sung vào dự thảo luật một điều khoản để việc quy hoạch đô thị ven sông Hồng, sông Đuống trở thành một điểm đột phá, nâng tầm cảnh quan không gian và phát triển Hà Nội văn minh, hiện đại hơn.

Còn ĐBQH Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cũng bày tỏ đồng tình với những cơ chế chính sách trong dự thảo đề ra. Đồng thời, nhấn mạnh huy động tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực văn hóa thể thao và khai thác các di sản và phát triển du lịch.

ĐBQH: Không nên dành tiền xây dựng những con đường 'đắt nhất hành tinh'- Ảnh 2.

ĐBQH Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Đại biểu Cường cũng cho rằng, cần phát triển mô hình đô thị gắn kết với giao thông công cộng (TOD) không chỉ với những đô thị mới mà cả với những khu vực tái thiết đô thị như: Cải tạo chung cư cũ, nhà ở cũ xây dựng tự phát trong nội đô để phát triển không gian ngầm; Không gian mặt đất dành cho cây xanh và các công trình hoạt động công cộng.

Do vậy, thành phố không nên dành tiền để xây dựng những con đường "đắt nhất hành tinh" mà nên dành ngân sách đó để đầu tư cho những dự án TOD trong khu vực nội đô.

ĐBQH Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cần có cơ chế chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội để thúc đẩy mạnh mẽ việc đầu tư các chung cư cũ ở Thủ đô hiện nay thì mới đưa vào quy định trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trường hợp nếu các quy định trong dự thảo Luật Thủ đô về vấn đề này mà không có nội dung mới so với Luật Nhà ở (sửa đổi) thì không nên quy định lại để tránh sự trùng lặp.

ĐBQH: Không nên dành tiền xây dựng những con đường 'đắt nhất hành tinh'- Ảnh 3.

Đại biểu Tô Ái Vang - Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng.

Góp ý vào Điều 39 phát triển đô thị theo hướng giao thông công cộng TOD, đại biểu cho rằng, việc phát triển đường sắt đô thị theo mô hình TOD là cơ hội để Hà Nội phát triển đô thị, góp phần giảm tắc đường, là hướng ra để xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và giải quyết bài toán khó về phát triển đô thị.

Tuy nhiên, với mô hình phát triển đô thị mới chưa từng có tại Việt Nam sẽ không tránh khỏi tình trạng xuất hiện hàng loạt các mối quan hệ và các xung đột lợi ích của nhiều bên có thể nằm ngoài năng lực vận hành của thiết chế hiện tại. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nếu xác định TOD là mô hình giao thông mới, mô hình này có sự khác biệt nào so với quy định trong dự thảo Luật Đường bộ và dự thảo Luật Đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ?

Quốc hội "chốt" giao Tổng Liên đoàn xây nhà ở xã hội, không quy định thời hạn sở hữu chung cưQuốc hội 'chốt' giao Tổng Liên đoàn xây nhà ở xã hội, không quy định thời hạn sở hữu chung cư

SKĐS - Sáng 27/11, Quốc hội tiến hành biểu quyết bằng hình thức điện tử để thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi). Kết quả cho thấy, với đại đa số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua luật này.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn