Hà Nội

ĐBQH khao khát Việt Nam có đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

20-11-2024 16:01 | Thời sự
google news

SKĐS - Phát biểu tại phiên thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam , ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho hay, bản thân được trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở Châu Âu nên rất khao khát Việt Nam có loại hình giao thông này.

Xem xét kỹ nhiều vấn đề, tránh xin điều chỉnh lại

Chiều nay (20/11), cho ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, ĐBQH Trần Hoàng Ngân – Đoàn ĐBQH TP HCM cho hay, đường sắt tốc độ cao đã được nhiều nước đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả.

Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, bản thân được trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở Châu Âu nên rất khao khát Việt Nam có loại hình giao thông này. Ông Ngân cho rằng, hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện bởi kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp,…Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động thì sẽ thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài, khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền Trung.

ĐBQH khao khát Việt Nam có đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam- Ảnh 1.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM.

Cho rằng đây là loại hình giao thông tốc độ cao, vị ĐBQH TP HCM lưu ý rằng cần yêu cầu về kỹ thuật, an toàn nghiêm ngặt, không vì chi phí và nguồn thu mà bỏ qua kỹ thuật và an toàn.

Về nguồn vốn, ông Ngân cho biết, số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA. Cùng với đó cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án; cần xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị.

Còn ĐBQH Nguyễn Ngọc Sơn – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ hoàn toàn tán thành với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam. Tuy nhiên, ông Sơn bày tỏ băn khoăn trước việc một số dự án quan trọng Quốc gia sau khi được thông qua đã phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến phải xin điều chỉnh lại chủ trương. 

Do vậy, để dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam mang tính khả thi, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, xem xét một số vấn đề như: đồng bộ quy hoạch; công nghệ; hướng tuyến; các nhà ga; tổng mức đầu tư gắn với hiệu quả dự án; vận hành khai thác; chuyển giao công nghệ…

ĐBQH khao khát Việt Nam có đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Trong đó, theo đại biểu, để đảm bảo tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 cần phải huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai dự án. Đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lương cao nhất. Tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù, đặc biệt để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo.

Giải quyết "nút thắt" về logistics

Đồng tình thực hiện chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, ĐBQH Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho rằng, nước ta có hình dạng kéo dài, lưu lượng hàng hoá lớn, nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc – Nam cao, nhiều khu vực vốn có tiềm năng phát triển nhưng chưa thực hiện được do "nút thắt" của chi phí logistics cao. 

Hơn nữa, quy mô kinh tế đang đà tăng nhanh, nhu cầu vận chuyển hàng hoá tăng lớn, chúng ta cần tăng lượng hàng hoá xuất khẩu sang thị trường Châu Âu, Trung Đông, Bắc Á,… để giảm bớt tập trung vào một số thị trường. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phát triển đường sắt Bắc - Nam tốc độ cao để kết nối liên vận với mạng lưới quốc tế cùng khu vực để giải quyết "nút thắt" về logistics.

ĐBQH khao khát Việt Nam có đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam- Ảnh 3.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội.

Góp ý vào chủ trương, ông Hoàng Văn Cường cho rằng cần phát triển dự án này để phục vụ nhu cầu vận tải cả hành khách và hàng hoá chứ không nên tập trung vận tải hành khách và chỉ vận tải hàng hoá khi cần thiết.

Lý do ông Cường đưa ra là vì dọc trục Bắc – Nam có mức độ tập trung dân số chỉ bằng 1/10 tuyến Bắc Kinh – Thượng Hải (Trung Quốc) và 1/2 tuyến Đài Bắc – Cao Hùng (Đài Loan), do đó nếu chỉ vận tải khách thì sẽ lãng phí 50% công suất, doanh thu vận tải hành khách không đủ để bù đắp chi phí vận hành, nguy cơ thua lỗ lớn như tuyến Đài Bắc – Cao Hùng.

Hơn nữa, nếu không phục vụ vận tải hàng hoá sẽ không giải quyết nút thắt logistics, không đáp ứng được nhu cầu vận tải hàng hoá dọc trục Bắc -Nam, không liên vận với đường sắt quốc tế...

Chiêm ngưỡng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua video thuyết minh trình chiếu tại Quốc hộiChiêm ngưỡng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua video thuyết minh trình chiếu tại Quốc hội

SKĐS - Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.

Trình Quốc hội xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.541km chỉ 8 nămTrình Quốc hội xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.541km chỉ 8 năm

SKĐS - Sáng 13/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn