ĐBQH hiến kế giải pháp bền vững để người bệnh hạn chế chuyển tuyến

11-12-2023 08:30 | Thời sự

SKĐS - Theo ĐBQH Nguyễn Tri Thức, giải pháp căn cơ để hạn chế tình trạng người dân chuyển lên tuyến trên là y tế cơ sở phải bảo đảm chuyên môn, tạo niềm tin cho người dân; cần luân chuyển bác sĩ từ tuyến trên xuống tuyến dưới và ngược lại.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, có ý kiến cho rằng cần bỏ giấy chuyển tuyến trong khám bệnh, chữa bệnh để thuận tiện cho người dân hơn. Trước ý kiến này, một số ĐBQH cho rằng, việc bỏ giấy chuyển tuyến sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác khám, chữa bệnh hiện nay.

Chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội liên quan đến vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Tri Thức – Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng có 2 luồng ý kiến.

Ông Nguyễn Tri Thức nói, tâm lý của người dân cho rằng, tại sao cần giấy chuyển tuyến. Điều này gây phiền phức và họ có thể đi khám ở bất cứ đâu mình muốn. Ông Thức cũng bày tỏ, bản thân mình và các bác sĩ tuyến trên đều chung suy nghĩ rằng, nếu bỏ phân tuyến thì bệnh viện tuyến trên sẽ được hưởng lợi. Bởi nguồn bệnh nhân sẽ đổ hết lên tuyến trên. Tuy nhiên, đây là cái lợi trước mắt, về lâu dài sẽ phá vỡ hệ thống y tế và không mang lại lợi ích.

ĐBQH hiến kế giải pháp bền vững để người bệnh hạn chế chuyển tuyến- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội.

Ông Nguyễn Tri Thức phân tích: "Kết cấu của y tế Việt Nam rất tốt, len lỏi cả trong các thôn, bản, tới y tế xã, y tế huyện, tỉnh rồi tới y tế Trung ương. Đây là một mạng lưới y tế rộng khắp, bao phủ. Vấn đề hiện nay là cần phát huy hết chức năng của từng vị trí".

Đồng thời, nếu bỏ chuyển tuyến sẽ xảy ra gánh nặng chi phí cho người bệnh. Ví dụ một bệnh nhân với tình trạng bệnh thông thường, ở tuyến dưới có thể điều trị được nhưng lại tâm lý là phải đi thẳng lên tuyến trung ương như BV Chợ Rẫy, Bạch Mai, Việt Đức… để khám, điều trị, điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy về mặt kinh tế cho người bệnh…

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đặt câu hỏi: "Ai cũng chuyển hết lên tuyến trung ương thì tương lai của y tế cơ sở sẽ đi về đâu"? Ông Thức nói thêm, y tế cơ sở sẽ ngày càng không có người bệnh và chuyên môn sẽ ngày càng thui chột đi, dần dần sẽ dẫn đến triệt tiêu. Còn tuyến trên thì sẽ dần dần quá tải, không phục vụ được bệnh nhân.

Vì thế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho rằng, khi bỏ giấy chuyển tuyến chỉ kéo theo lợi ích cho một cá nhân, cho một thời điểm nhất định nhưng sẽ gây ra nhiều hệ lụy, hệ thống y tế sẽ bị tê liệt về dài hạn.

ĐBQH hiến kế giải pháp bền vững để người bệnh hạn chế chuyển tuyến- Ảnh 2.

Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh y tế cơ sở là giải pháp bền vững giảm tình trạng người dân chuyển tuyến.

Chia sẻ về giải pháp để bệnh nhân không phải xin giấy chuyển tuyến, tránh cho các cơ sở y tế tuyến trên không bị quá tải, ông Thức cho rằng, giải pháp căn cơ là y tế tuyến dưới phải đảm bảo chuyên môn, phải tạo niềm tin cho người dân. Khi người dân có niềm tin vào y tế cơ sở thì họ sẽ không việc gì phải đi đâu. Làm sao để có niềm tin thì cần cả một quá trình lâu dài.

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay: "Hãy đưa nhân lực y tế tuyến trên về tuyến dưới. Bác sĩ tuyến Trung ương luân chuyển về tuyến tỉnh, tuyến tỉnh luân chuyển về tuyến huyện, tuyến huyện luân chuyển về tuyến xã, tuyến xã luân chuyển ngược lên tuyến trên để học, tạo nên một vòng xoay".

Khi vòng tròn xoay đều, sẽ luôn có đủ nhân lực y tế có tay nghề, đủ trình độ, tạo niềm tin cho người dân. Lúc đó người dân sẽ đến y tế cơ sở. Thừa nhận y tế cơ sở thiếu nhân lực, chế độ ưu đãi không đầy đủ… nhưng để giải quyết những điều này ông Thức cho rằng một mình ngành y tế không thể nào giải quyết được.

Do đó, luân chuyển bác sĩ tuyến trên về tuyến dưới, một mặt để chuyển giao kỹ thuật, kiến thức cho đồng nghiệp, một mặt cũng là để bác sĩ học được nhiều kiến thức mà chỉ ở cơ sở mới có được.

Áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử, cải tiến quy trình cấp thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tínhÁp dụng giấy chuyển tuyến điện tử, cải tiến quy trình cấp thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính

SKĐS - Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, Bộ Y tế đã và đang tăng cường chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, áp dụng giấy chuyển tuyến điện tử; cải tiến quy trình cấp giấy chuyển tuyến có thời hạn 1 năm cho một số bệnh mãn tính.


PV
Ý kiến của bạn