Cho ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Lâm Thành – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên dẫn chứng, thời gian qua xuất hiện nhiều vụ cháy xảy ra tại quán karaoke, quán bar, vũ trường gây thiệt hại lớn về người và tài sản mà nguyên nhân do hàn xì nên cần rà soát chặt chẽ nhóm đối tượng này để nâng cao công tác phòng ngừa.
Bên cạnh đó, đại biểu nhận thấy các vụ cháy xảy ra nhiều trong ngõ nhỏ, chung cư cao tầng gây khó khăn cho lực lượng PCCC&CNCH khi tiếp cận hiện trường. Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo, cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ hơn về nguồn nước chữa cháy tại chỗ đối với nhà trong ngõ nhỏ, chung cư ở tầng quá cao.
Đề xuất cụ thể đối với nhà chung cư, căn hộ chung cư để nâng cao công tác phòng ngừa, ông Nguyễn Lâm Thành cho rằng, nên khai thác các nguồn nước từ các hộ gia đình, căn hộ hiện có; bố trí thêm các vòi nước dự phòng, vòi xịt, dây dẫn nước để xử lý kịp thời nếu xảy ra cháy nổ.
ĐBQH Vũ Hồng Luyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên đề nghị bổ sung phòng cháy đối với chung cư cao tầng. Bởi, chung cư cao tầng là khu vực tập trung đông dân cư sinh sống, nguy cơ cháy, nổ cao. Nhiều chung cư cao tầng xây dựng từ lâu, trong quá trình sử dụng gây hư hỏng hoặc sửa chữa hệ thống kỹ thuật dẫn đến công tác PCCC&CNCH không còn đảm bảo.
Với lý lẽ trên, đại biểu Vũ Hồng Luyến cho rằng, cần có các quy định về hệ thống đường giao thông dẫn vào các tòa nhà chung cư cao tầng phải đảm bảo tối thiểu cho xe PCCC&CNCH chuyên dụng có thể tiếp cận được.
Ngoài ra, kỹ năng thoát nạn là một kỹ năng cơ bản đặc biệt quan trọng đối với người dân trong bất kỳ một vụ cháy nào xảy ra. Để có thể bảo vệ bản thân, người xung quanh và giảm thương vong cũng như làm tốt công tác phối hợp với lực CNCH khi có cháy, nổ xảy ra, cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định chi tiết và cụ thể hơn nữa về kỹ năng thoát nạn.
Còn ĐBQH Trần Đình Chung - Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng cho biết, tại khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật quy định: Quy hoạch chi tiết đô thị, khu dân cư, cụm công nghiệp và các khu chức năng phải có nguồn điện phục vụ hoạt động PCCC. Đại biểu đề nghị thay cụm từ "phải có" bằng cụm từ "ưu tiên".
Bởi, quy định phải có chưa khả thi khi điều kiện hạ tầng cung cấp điện lưới hiện nay chưa có nguồn điện riêng biệt cho các mục đích khác nhau, mà chỉ theo từng nhóm, cụm dân cư hay khu vực. Do vậy, nên quy định cơ sở phải tự trang bị nguồn điện, ví dụ như máy phát điện hoặc đầu nối phù hợp với hệ thống điện ở cơ sở, trong đó ưu tiên cho nguồn cấp điện phục vụ PCCC&CNCH.
Phát biểu giải trình, tiếp thu các ý kiến ĐBQH nêu, Chủ nhiệm Ủy ban QPAN Lê Tấn Tới thông tin, trên cơ sở các ý kiến ĐBQH, cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra sẽ nghiên cứu, tiếp thu thấu đáo, giải trình cụ thể để hoàn chỉnh dự án Luật.
Bên cạnh đó, trên tinh thần đổi mới theo sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Cơ quan chủ trì soạn thảo và Cơ quan chủ trì thẩm tra đã tham mưu, hoàn chỉnh các chính sách trên tinh thần tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp; đảm bảo an toàn cho người dân là trên hết; đồng thời tháo gỡ những khó khăn còn vướng mắc trong thực tế hiện nay.