Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các ĐBQH cho ý kiến về việc dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã đáp ứng quan điểm, mục tiêu, chính sách lớn đặt ra khi trình sửa đổi luật hay chưa, đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH, UBTVQH hay chưa.
Tham gia góp ý để hoàn thiện dự thảo luật, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị bổ sung thêm quy định: Cấm hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi chưa được sự đồng ý của người tiêu dùng.
Tại Khoản 3, Điều 18 dự thảo Luật quy định: Tổ chức, cá nhân kinh doanh phải sử dụng thông tin của người tiêu dùng chính xác, phù hợp với mục đích, phạm vi đã thông báo và phải được người tiêu dùng đồng ý.
Đại biểu Dương Khắc Mai cho biết, Luật An toàn thông tin mạng và Thông tư số 20 ngày 12/9/2017 của Bộ TT&TT đã đưa ra yêu cầu về nghĩa vụ thông báo của bên kiểm soát dữ liệu hoặc chủ sở hữu hệ thống dữ liệu khi có sự cố hoặc hành vi xâm phạm dữ liệu xảy ra. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát lại nội dung quy định tại dự thảo luật, nhằm đảm bảo sự tương thích, thống nhất nội dung trong các văn bản pháp luật có liên quan.
Cùng quan điểm với ĐBQH Dương Khắc Mai liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10 dự thảo luật, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng, các quy định như dự thảo chưa bao quát đầy đủ các hành vi có tính chất phổ biến xảy ra trong thời gian gần đây, và đối chiếu với pháp luật liên quan cũng chưa đầy đủ.
Do vậy, đại biểu Thủy đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: hành vi cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng. Đồng thời đề nghị rà soát thêm các pháp luật liên quan khác đang cấm các hành vi này để đảm bảo bao quát đầy đủ các hành vi này.
Còn ĐBQH Phạm Đình Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum) cho rằng, nguyên tắc bảo vệ người tiêu dùng phải được thực hiện từ sớm, kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. Để đảm bảo nguyên tắc bảo vệ từ sớm, cần bổ sung thêm quy định cơ quan nhà nước, tổ chức trong trường hợp cụ thể phải có trách nhiệm giám sát, phát hiện, ngăn chặn hoặc đề nghị cơ quan chức năng ngăn chặn hành vi sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, có thể gây nguy hại đến sức khỏe, tính mạng hoặc gây thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng…
Đặc biệt là những sản phẩm, hàng hóa mà người tiêu dùng sử dụng hàng ngày như lương thực, thực phẩm. Đại biểu Thanh lấy ví dụ như hành vi sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm bẩn, tình trạng trồng rau hai luống, lợn hai chuồng; tình trạng bơm nước, tạp chất vào thịt, cá, tôm.
Vị đại biểu đoàn Kon Tum dẫn chứng trong thời gian qua đã xảy ra việc người tiêu dùng, trong đó có công nhân, học sinh đã trở thành nạn nhân của hành vi trên. Nhiều trường hợp đã bị ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, những hành vi trên nếu được phát hiện, ngăn chặn từ sớm sẽ không thể đến tay người tiêu dùng và không gây hại cho người dân.
Về vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức chính trị xã hội, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho rằng, các quy định chưa đủ mạnh, chưa tạo được động lực, cơ sở để các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt là các hội chủ động khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Vì vậy, cần có thêm quy định về hỗ trợ kinh phí cho các tổ chức có đủ nguồn lực, đủ cơ sở để họ tham gia việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Liên quan đến bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, đây là vấn đề rất quan trọng. Bên cạnh các thông tin về nhân thân còn có các thông tin như quá trình giao dịch, các hành vi mua bán cũng là những thông tin quan trọng có thể bảo vệ bởi pháp luật bảo vệ dữ liệu cá nhân và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...