ĐBQH: Giá xăng tăng ngược chiều thế giới, dân bức xúc là phải

21-05-2015 15:21 | Thời sự
google news

Trong lúc giá thế giới giảm, giá trong nước lại điều chỉnh tăng, đây là sự không minh bạch trong điều hành giá xăng dầu, người dân bức xúc là đương nhiên. Do vậy, cần có sự giám sát về giá xăng, dầu.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ với PV bên lề hành lang Quốc hội sáng 21/5 xoay quanh đợt điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu tối 20/5.

Trước đó, tối 20/5 giá xăng dầu bán lẻ trong nước bất ngờ tăng thêm 1.200 đồng/lít, đồng nghĩa giá xăng đã vượt ngưỡng 20.000 đồng/lít.

Lý giải cho quyết định điều hành, trong thông cáo phát đi, liên Bộ Công thương – Tài chính cho biết: do giá xăng dầu thế giới gần đây biến động liên tục theo chiều hướng tăng khiến giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ. Đơn cử ngày 18/5, giá xăng A92 thế giới đã lên mức 83,97 USD/thùng, khiến giá cơ sở các mặt hàng tăng đáng kể. Với mặt hàng xăng RON 92 mức “vênh” giữa giá cơ sở và giá bán lẻ là 2.254 đồng/lít; xăng E5 là 2.089 đồng/lít; dầu diesel là 1.070 đồng/lít; dầu hỏa cao hơn 782 đồng/lít và dầu madut cao hơn 1.127 đồng/lít.

Giá xăng dầu bán lẻ trong nước bất ngờ điều chỉnh tăng thêm 1.200 đồng/lít từ tối 20/5

“Việc tăng giá xăng dầu nhằm thực hiện quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ để giá bán xăng dầu trong nước tiệm cận với giá xăng dầu thế giới cũng như nhằm hỗ trợ chi phí đầu vào của doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh; hỗ trợ đời sống sinh hoạt của người dân và hạn chế tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới”, Bộ Công Thương thông báo.

Liên quan tới đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu lần này, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu TP. Hồ Chí Minh) đồng thời cũng là chuyên gia kinh tế cho rằng việc điều chỉnh này có điểm chưa hợp lý. Điểm bất cập theo ông Ngân ở chỗ, trong lúc liên bộ nói giá xăng dầu trong chu kỳ điều chỉnh tăng, nhưng thực tế riêng trong ngày 20/5 giá thế giới đã giảm.

Ngoài ra, theo Tuổi trẻ dẫn nguồn dữ liệu tổng hợp của Blommberg, từ ngày 5/5 - đợt tăng giá gần nhất tới nay thời điểm ngày 20/5, diễn biến giá xăng dầu thế giới lại theo chiều hướng giảm chứ không phải tăng. Cụ thể, nếu như giá dầu thô ngày 5/5 là 60,38 USD/thùng thì giá xăng tính tới ngày 20/5 là 58,59 USD/thùng, giảm 1,79 USD/thùng, tương đương giảm 2,96%...

“Việc điều chỉnh giá xăng dầu của ta dựa vào một chu kỳ nhất định, một thời gian nhất định, chứ không căn cứ vào biến động giá từng ngày. Tuy nhiên, do thời điểm công bố giá xăng của ta không phù hợp với giá xăng trên thế giới, tạo nên sự căng thẳng cho người tiêu dùng”- ông Ngân bình luận.

Nói rõ hơn về sự “lệch pha” giữa giá trong nước và thế giới dẫn đến sự điều chỉnh trái chiều, ông Ngân cho rằng, chính là do độ trễ về thời gian điều chỉnh 15 ngày.

“Trong khi, giá xăng dầu các nước được điều chỉnh từng ngày, nhưng ta thì phải chờ tới 15 ngày”- ông nói và nhấn mạnh, nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng, tạo thói quen cho người dân về sự lên, xuống của giá xăng.

“Chỉ có như thế mới không tạo ra những cú sốc về giá và cũng bớt sự bức xúc của người dân với mỗi lần xăng tăng giá”- ĐB Trần Hoàng Ngân quả quyết.

Vị ĐBQH TP. Hồ Chí Minh cũng đề xuất: “Tôi nghĩ, Quốc hội cần có một chuyên đề về giám sát giá xăng dầu, vì đây là đầu vào cơ sở của nhiều lĩnh vực sản xuất”- ông nói và lo lắng hiệu ứng đô – mi – nô của mỗi đợt xăng tăng giá với các lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng khác.

Không ngạc nhiên về chuyện xăng dầu tăng giá, theo ĐBQH Bùi Thị An (Đoàn đại biểu Hà Nội), khi đã theo cơ chế thị trường thì phải chấp nhận chuyện giá có tăng, có giảm. Bất cập theo ĐB An chính là sự minh bạch trong mỗi lần tăng, giảm giá xăng dầu. “Mỗi lần tiếp xúc, cử tri đều kêu rất nhiều chuyện giá xăng dầu tăng nhanh, giảm chậm, rồi thiếu công khai, minh bạch”- bà An nói.

Vị ĐBQH đoàn TP. Hà Nội kiến nghị, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần minh bạch giá đầu vào, lỗ, lãi để người dân, Quốc hội giám sát, tránh chuyện mỗi lần tăng lại khiến dân bức xúc như hiện nay.

Trường Giang

 

 


Ý kiến của bạn