Hà Nội

ĐBQH đề xuất thiết kế cách tính có hỗ trợ, chia sẻ cho người có lương hưu quá thấp

23-11-2023 09:27 | Thời sự
google news

SKĐS - Tại nghị trường Quốc hội, ĐBQH Phạm Thị Kiều đề nghị xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

Sáng 23/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Phiên thảo luận được điều hành bởi Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Cho ý kiến liên quan tới Chương III quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu quan điểm, Điều 20 dự thảo quy định đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028; 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035.

Mặt khác, khoản 1 Điều 21 dự thảo quy định điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội là đủ 75 tuổi trở lên và không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ. Theo đó, độ tuổi quy định tại Điều 21 khác với độ tuổi người lao động tham gia BHXH bắt buộc để được hưởng chế độ hưu trí quy định tại Điều 64 dự thảo và Điều 169 Bộ luật Lao động....

ĐBQH đề xuất thiết kế cách tính có hỗ trợ, chia sẻ cho người có lương hưu quá thấp- Ảnh 1.

ĐBQH Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vừa mâu thuẫn giữa Điều 20 và Điều 21, vừa gây khó hiểu trong quá trình thực thi; mà thực chất đây là chính sách trợ cấp cho người cao tuổi chưa được hưởng bất kỳ một chế độ nào.

Để dễ hiểu và thuận lợi cho quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị gộp quy định tại Điều 20 và Điều 21 thành một điều chung là đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sửa lại như sau "Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ".

Đại biểu nhấn mạnh, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội là một chính sách hết sức nhân văn, được nhiều cử tri và nhân dân mong đợi. Với quy định như vậy đã thể chế hóa một bước chủ trương điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội của Nghị quyết số 28 nhằm phấn đấu đạt mục tiêu đến hết năm 2030 khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

ĐBQH đề xuất thiết kế cách tính có hỗ trợ, chia sẻ cho người có lương hưu quá thấp- Ảnh 2.

ĐBQH tham dự phiên thảo luận về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Liên quan đến "Điều kiện hưởng lương hưu", ĐBQH Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ nhất trí với nội dung dự thảo nêu. Tuy nhiên, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng BHXH nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng.

Đại biểu Phạm Thị Kiều cho biết thêm, dự thảo luật đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu. Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng "nghèo hoá" của một bộ phận người dân trong tương lai. Đại biểu đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp.

ĐBQH đề xuất thiết kế cách tính có hỗ trợ, chia sẻ cho người có lương hưu quá thấp- Ảnh 3.

ĐBQH Phạm Thị Kiều – Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông.

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 66 quy định "… cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%". Theo đại biểu, quy định trong dự thảo luật như vậy là quá cao. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu quy định cho phù hợp, đảm bảo sự hài hòa giữa đóng và hưởng. Vì độ tuổi bắt đầu tham gia đóng bảo hiểm của mỗi người khác nhau, nên cần quy định thời gian đóng bảo hiểm bao nhiêu để được hưởng tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% là phù hợp.

Còn ĐBQH Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, cần rà soát hệ thống pháp luật liên quan và đánh giá tác động kỹ hơn các chính sách mới như là bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội, bổ sung nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, giảm thời gian đóng bảo hiểm… để bảo đảm tính khả thi của dự thảo Luật, đặc biệt là các nguồn lực tài chính, chi phí quản lý BHXH, đầu tư quỹ BHXH, khả năng cân đối quỹ BHXH.

‘Hạn chế việc rút BHXH một lần bằng cách giúp người lao động vượt qua lúc khó khăn nhất’‘Hạn chế việc rút BHXH một lần bằng cách giúp người lao động vượt qua lúc khó khăn nhất’

SKĐS - Chiều 2/11, tại phiên thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhiều ĐBQH tập trung thảo luận, trao đổi về quy định bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần...


Lê Bảo
Ý kiến của bạn