Nhân viên y tế chịu áp lực quá lớn, phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày
Đóng góp ý kiến tại hội trường, ĐBQH Thái Thu Xương (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) cho biết, do tình hình kinh tế - xã hội thế giới và trong nước có nhiều biến động phức tạp, khó lường, đứt gãy chuỗi cung ứng... đã tác động đến đời sống, việc làm của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế - lao động nghèo, lao động nhập cư, lao động ở các khu công nghiệp lớn.
Nữ đại biểu đoàn tỉnh Hậu Giang cho rằng, theo phản ánh của cử tri, nhiều cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc. Đối với nhân viên ngành y tế nghỉ việc nhiều do ảnh hưởng của dịch COVID-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 tiếng/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng; Đối với công chức ngành giáo dục, việc thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến áp lực công việc quá lớn. Tuy nhiên, sự quan tâm đến hai lực lượng này chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức họ bỏ ra.
Bà Thái Thu Xương cũng dẫn số liệu từ Bộ Nội vụ, từ năm 2020 đến nay đã có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc chủ yếu ở lực lượng y tế và giáo dục. Đối với lực lượng công chức chỉ hơn 4.000, viên chức là 35.525 trong đó có 12.198 viên chức ngành y tế (chiếm 30,84%), ngành giáo dục là 14.427 (chiếm 41.35%).
Đối với lực lượng lao động nhập cư còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở, chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân lao động. Vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, các cơ sở giáo dục phổ thông... tại các khu, cụm công nghiệp chưa phát triển nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu, nhất là điểm giữ trẻ cho các cháu từ 6-18 tháng tuổi.
Từ sau đợt dịch COVID-19, nhiều gia đình lao động nhập cư muốn cho con quay trở lại cùng sinh sống để tiện bề giáo dục, nuôi dưỡng, gắn kết tình cảm gia đình nhưng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển trường cho con, chưa kể mỗi địa phương chọn một bộ sách giáo khoa khác nhau nên khi chuyển trường phải mua lại bộ sách khác và tìm hiểu, làm quen dần với bộ sách mới.
Thời gian gần đây, nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ quyết định tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, xăng dầu, sách giáo khoa, học phí, viện phí... tăng liên tục. Trong khi tiền lương thực tế của cán bộ công nhân viên chức từ 2019 chưa tăng, lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao, chỉ 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ số lạm phát và tốc độ tăng trưởng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất của cán bộ công chức, viên chức, ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý lo âu cho nhóm đối tượng này.
Đề nghị tăng lương từ ngày 1/1/2023
Từ ý chí, nguyện vọng cử tri, cán bộ công chức, viên chức, bà Thái Thu Xương kiến nghị, phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ đối với bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục để đủ sức phục vụ cho nhân dân.
"Cử tri, cán bộ công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình Quốc hội tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, đề xuất Quốc hội và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Đại đa số ý kiến cán bộ công chức, viên chức đề nghị tăng lương từ 1/1/2023 vì theo phương án trình của Chính phủ từ 1/7/2023, nếu tính khoảng cách giữa hai lần tăng lương là 4 năm", đại biểu kiến nghị.
Ngoài ra, cần kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn, đại biểu tha thiết mong Chính phủ đưa ra quyết định, một khi quyết định hết sức phù hợp.
Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung NĐ 56 về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó nâng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40 đến 70% lên tất cả đều hưởng mức 100%.
Đặc biệt, đại biểu đoàn Hậu Giang đề xuất, xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng bác sỹ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cách Chăm Sóc Da Vào Mùa Đông Để Da Bớt Khô - SKĐSTin