Phát biểu đóng góp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) chiều 31/10, ĐBQH Trần Khánh Thu – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình bày tỏ thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật để kịp thời khắc phục ngay các tồn tại, vướng mắc và kịp thời đồng bộ với các Luật liên quan mới có hiệu lực như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (KCB), Luật BHXH, Luật Giá; Luật Căn cước, Luật cư trú...
Để hoàn thiện dự thảo Luật, bà Trần Khánh Thu đóng góp ý kiến về quy định mức hưởng BHYT khi 1 số trường hợp có thể đến KCB ngoài nơi đăng ký KCB ban đầu, bao gồm cả các bệnh viện chuyên sâu mà không cần giấy chuyển tuyến. Đồng thời đại biểu Khánh Thu cho rằng, quy định như trên cần thận trọng, nhất là trong bối cảnh bội chi Quỹ KCB BHYT ngày càng tăng.
Phân tích thêm, đại biểu Trần Khánh Thu cho biết, tại Luật KCB đã quy định KCB có 3 cấp chuyên môn và mỗi cấp thực hiện nhiệm vụ chức năng khác nhau; mô hình KCB BHYT như hiện nay đóng vai trò rất quan trọng, bảo đảm được sự phát triển bền vững của hệ thống y tế. Người bệnh sẽ đến khám trước tiên tại các cơ sở KCB ban đầu hoặc bác sĩ gia đình, để được phát hiện, đánh giá sơ bộ về sức khỏe. Từ đó, tùy theo mức độ bệnh, loại bệnh tật, nếu vượt quá khả năng thì bệnh nhân sẽ được chuyển lên tuyến trên. Chỉ trường hợp cấp cứu có thể đến cơ sở y tế gần nhất mà không phân biệt tuyến.
"Nếu quy định như trong dự thảo Luật thì xu hướng người bệnh sẽ chọn lên thẳng các bệnh viện tuyến trên, gây việc quá tải bệnh viện hơn; tăng thời gian chờ đợi; tăng tự chi trả tiền túi. Bên cạnh đó, các cơ sở KCB ở các tuyến đều sẽ không thể dự báo về nhu cầu KCB, từ đó sẽ có nguy cơ gây nên tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế và các điều kiện bảo đảm phục vụ người bệnh; chắc chắn sẽ gia tăng chi phí KCB từ Quỹ BHYT", ĐBQH Trần Khánh Thu phân tích.
Nữ ĐBQH tỉnh Thái Bình cho hay, cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến KCB ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên KCB tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết; sẽ dẫn đến giảm hiệu suất; thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế.
Bà Khánh Thu đã dẫn các số liệu để minh chứng cho xu hướng người bệnh dịch chuyển sang tuyến huyện và tỉnh ngay từ năm đầu tiên thực hiện "thông tuyến" (năm 2016 thông tuyến huyện). Theo đó, tỷ lệ lượt KCB tuyến huyện từ 43,3% ở năm 2015 đã tăng lên, trên 60% vào năm 2023. Trong khi đó, tuyến xã giảm từ 27,6% năm 2015 xuống còn khoảng 13,7% năm 2023 và năm 2021 thông tuyến tỉnh đối với dịch vụ KCB nội trú, tỷ lệ lượt KCB thông tuyến nội trú tại tuyến tỉnh đã tăng từ 30,5% năm 2021 lên 47,28% năm 2023 nhưng chi phí tăng lên 54%.
Theo đại biểu Trần Khánh Thu, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám chữa bằng BHYT vì khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng 1 bệnh.
Từ những lý do trên, đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến KCB BHYT hiện nay. Nhưng, điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong năm tài chính như hiện nay.
Đồng thời, tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở để có thể thực hiện điều trị cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mạn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn các cơ sở y tế…