ĐBQH đề xuất điều tiết chênh lệch địa tô trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để tránh sự bất công

21-06-2023 11:27 | Thời sự

SKĐS - ĐBQH Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đại biểu, xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội.

Sáng 21/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh nêu quan điểm, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã thể hiện nhiều điểm mới, làm rõ nhiều vấn đề hơn so với những lần trước. Tuy nhiên, luật cần có sự thống nhất với các quy định khác có liên quan, tránh sự chồng chéo với các luật khác.

ĐBQH đề xuất điều tiết chênh lệch địa tô trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để tránh sự bất công - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Góp ý vào Điều 19 và Điều 79 về việc thu hồi đất, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị quy định rõ về việc thu hồi đất tại các khu kinh tế để phục vụ cho việc phát triển kinh tế. Ngoài ra, cần có quy định rõ về các chủ thể kinh doanh được thuê đất, đất do Nhà nước quản lý...

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, Ban soạn thảo cần bổ sung vào dự án Luật việc thu hồi đất để phát triển các dự án thực hiện các khu chức năng trong khu kinh tế. Bởi vì khu kinh tế là chế định được quy định trong pháp luật về đầu tư. Do vậy, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nên có quy định về phát triển khu kinh tế từ khâu thu hồi đất phục vụ để phát triển và các ưu đãi đầu tư trong khu kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn trong việc thu hồi đất trong khu kinh tế để phát triển các khu chức năng.

ĐBQH đề xuất điều tiết chênh lệch địa tô trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để tránh sự bất công - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.

ĐBQH Thạch Phước Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh góp ý về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Chương 7. Theo đại biểu, dự thảo Luật đất đai chưa có quy định khái niệm xác định thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất; khái niệm bồi thường chưa chuẩn xác, không có quy định bồi thường thiệt hại về tài sản khác khi Nhà nước thu hồi đất…

Về nguyên tắc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất tại Điều 86, dự thảo luật bổ sung nguyên tắc chung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thay vì các quy định riêng. Các nguyên tắc cho hoạt động bồi thường, hỗ trợ như nguyên tắc bồi thường về đất, bồi thường về tài sản và nguyên tắc hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo Luật Đất đai 2013.

ĐBQH đề xuất điều tiết chênh lệch địa tô trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để tránh sự bất công - Ảnh 3.

ĐBQH Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh.

Cùng với đó, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị cần tiếp tục bổ sung việc bồi thường thiệt hại tài sản gắn liền với đất phải theo nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự để vừa đảm bảo quyền lợi cho người dân và vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa Luật Đất đai và Bộ luật Dân sự 2015. Đại biểu cũng đề nghị xem xét bổ sung nguyên tắc tại Điều 86 dự thảo Luật Đất đai về trách nhiệm giải trình đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư.

ĐBQH Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam lại cho rằng, một trong những nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết 18 là hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính đất đai, nghiên cứu, có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

ĐBQH đề xuất điều tiết chênh lệch địa tô trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để tránh sự bất công - Ảnh 4.

ĐBQH Trần Văn Khải – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam.

Đại biểu cho biết, chênh lệch địa tô được hình thành từ việc chuyển mục đích sử dụng đất. Tức là từ loại đất có giá trị thấp sang loại đất có giá trị cao. Đất nông nghiệp được mua gom, đền bù với giá rẻ rồi chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, thương mại, dịch vụ có giá cao gấp chục lần. Vấn đề xử lý chênh lệch địa tô đối với đất đai của người dân đang tiềm ẩn nhiều bất công trong xã hội.

Đại biểu nêu rõ, Luật Đất đai (sửa đổi) lần này phải xóa bỏ bất công từ lợi ích do chênh lệch địa tô. Từ đó sẽ tránh nguồn lực đất đai bị thất thoát, xây dựng chính sách tài chính đất đai, phương thức xác định giá đất, bảo đảm hài hòa lợi ích trong khai thác chênh lệch địa tô giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân.

Để khơi dậy tiềm năng, phát huy cao nhất giá trị nguồn lực đất đai, kiên quyết khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, đại biểu cho rằng cần giải quyết tốt hai vấn đề về chênh lệch địa tô và giá đất.

Phó Thủ tướng: Đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)Phó Thủ tướng: Đã có trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

SKĐS - Tiếp tục Phiên họp thứ 23, chiều 11/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung phiên họp.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn