Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 25/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023 và nhiều nội dung khác.
Thảo luận tại tổ 13, ĐBQH Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nêu lên thực trạng công nhân và các doanh nghiệp bị ảnh hưởng kinh tế sau đại dịch và vấn đề về nhà ở xã hội tại địa phương.
Về vấn đề Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thời gian qua, ĐBQH Trần Thị Vân nêu thực tế đó là tình trạng công nhân mất việc, giảm giờ làm chưa bao giờ xảy ra nhiều như hiện nay. Thậm chí, đại biểu cho biết, có những ngành nghề chưa bao giờ xảy ra nhưng nay cũng đã ghi nhận điều đó.
"Tỉnh Bắc Ninh có tốc độ phát triển kinh tế rất lớn, giá trị sản xuất công nghiệp rất cao. Do tác động của kinh tế toàn cầu khiến ảnh hưởng nhiều đến tỉnh và các địa phương khác", đại biểu cho hay.
Theo nữ đại biểu tỉnh Bắc Ninh, vấn đề giảm giờ làm, mất việc không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của công nhân mà ảnh hưởng đến vấn đề về an ninh trật tự. Lấy ví dụ về điều này, đại biểu cho rằng, nếu thu nhập ổn định, thời gian làm việc lấp đầy thì tình trạng "nhàn cư vi bất thiện" không xảy ra. Chính vì vậy, đại biểu mong sớm có giải pháp để vực dậy nền kinh tế để đất nước phát triển.
Một trong những vấn đề đại biểu quan tâm để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế đó là Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế VAT. Theo đại biểu Trần Thị Vân, giảm thuế sẽ thúc đẩy sản xuất, giảm giá hàng hóa, kích cầu tiêu dùng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, Chính phủ đề xuất giảm thuế VAT trong năm 2023 là quá ít, vì vậy đề xuất giảm đến hết năm 2024 hoặc đến giữa năm 2024.
Liên quan đến Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" mà Chính phủ vừa quyết định. Đại biểu Trần Thị Vân cho rằng, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, hiện tỉnh Bắc Ninh không thiếu nhà ở.
Tại địa phương hiện có 3 dự án với khoảng 1.500 căn hộ nhưng không có người mua. Bà Trần Thị Vân cho rằng, hiện nhà đầu tư đang lo lắng, trong khi chúng ta đang vướng về luật, vướng về chính sách. Vốn chúng ta có cho vay, lãi suất rất ưu đãi nhưng mà không cho vay nổi.
Phân tích thêm, đại biểu Trần Thị Vân nhận định, ngoài việc công nhân lương thấp không đủ tiền mua, vướng mắc các điều kiện mua, các thủ tục khác thì có một vấn đề liên quan đến văn hóa, tập quán của người Việt.
"Người Việt không giống như các nước phương tây – họ làm ở đâu mua nhà ở đấy. Nhưng Việt Nam, cụ thể ở Bắc Ninh thì đa số công nhân từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái… đến Bắc Ninh làm việc nhưng công nhân chỉ làm một thời gian, hàng tháng họ gửi tiền về quê cho gia đình xây nhà cửa", bà Trần Thị Vân phân tích.
Đại biểu Trần Thị Vân nói, theo thống kê tại tỉnh Bắc Ninh, có đến 95% công nhân đang thuê nhà trọ ở các hộ gia đình tại địa phương. Ở tỉnh Bắc Ninh những gia đình xây 10 nhà trọ trở lên rất nhiều, thậm chí có những gia đình có đến trên 100 phòng trọ. Những người xây nhà trọ cho thuê đã giúp xã hội, công nhân giải quyết khâu nhà ở nhưng chưa bao giờ được quan tâm.
Bà Trần Thị Vân cho biết, những hộ gia đình xây nhà trọ theo nhu cầu mà không có bất cứ quy chuẩn nào về mật độ, bảo đảm không gian sinh hoạt, khu vui chơi… đặc biệt về vấn đề Phòng cháy chữa cháy. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung vào gói 120.000 tỷ cho đối tượng là các hộ gia đình vay để xây hoặc sửa chữa nhà trọ, phòng trọ cho công nhân. Từ đó, chúng ta có thể quản lý được về diện tích tối thiểu, không gian sinh hoạt, không gian vui chơi.