ĐBQH đề xuất cân nhắc giảm thuế lớn hơn để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

25-05-2024 11:09 | Thời sự

SKĐS - Theo ĐBQH Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH Quảng Trị, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành cụ thể.

Một số chính sách đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả kịp thời

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển KT-XH và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Đặng Thị Bích Ngọc – Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình cho rằng, việc ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết sức kịp thời, hợp lòng dân. Các chính sách đưa ra trong Nghị quyết có tính chiến lược, thúc đẩy phát triển KT-XH, bổ sung nguồn lực lớn từ NSNN và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, vực dậy cả cung và cầu của nền kinh tế.

ĐBQH đề xuất cân nhắc giảm thuế lớn hơn để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 1.

ĐBQH Đặng Thị Bích Ngọc - Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình.

Từ thực tiễn ở địa phương, nghiên cứu báo cáo Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề, đại biểu Ngọc kiến nghị UBTVQH chỉ đạo Đoàn giám sát rà soát, hoàn thiện lại nội dung Điều 2 dự thảo Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để không trùng lặp.

Bên cạnh đó, đối với các dự án đang triển khai thực hiện, đề nghị có các giải pháp quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện nguồn vốn chương trình đến hết năm 2025 đối với các dự án có khả năng đến năm 2025 hoàn thành.

Cùng với đó, đề nghị Quốc hội xem xét kéo dài việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ việc làm, duy trì, mở rộng việc làm và chương trình cho vay để mua, thuê mua nhà ở theo chính sách về NƠXH do những hiệu quả mà chính sách mang lại thời gian qua.

Nên giảm thuế VAT 2% đối với tất cả các mặt hàng

Phát biểu ý kiến, ĐBQH Mai Văn Hải – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa bày tỏ cơ bản thống nhất với báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát.

Đại biểu nêu rõ, đây là chương trình lớn nhất từ trước đến nay, khẳng định việc ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 là đúng đắn, kịp thời với nhiều chính sách chưa từng có tiền lệ đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển KT-XH, cổ vũ tinh thần của người dân và doanh nghiệp và bổ sung nguồn lực lớn của NSNN và nguồn huy động khác để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

ĐBQH đề xuất cân nhắc giảm thuế lớn hơn để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 2.

ĐBQH Mai Văn Hải - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa.

Nêu lên đề xuất, ĐBQH Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát, có giải pháp giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thực hiện các dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Đánh giá cao hiệu quả của chính sách giảm thuế VAT 2%, ông Mai Văn Hải đề nghị Quốc hội cân nhắc xem xét cho phép tiếp tục kéo dài thêm thực hiện chính sách trong thời gian phù hợp.

Cùng quan tâm đến việc giảm thuế VAT, ĐBQH Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị đánh giá, quá trình thực hiện Nghị quyết 43 cho thấy sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội là đặc biệt quan trọng.

ĐBQH đề xuất cân nhắc giảm thuế lớn hơn để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội- Ảnh 3.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

Đại biểu lấy ví dụ việc giảm thuế xăng dầu, chính sách giảm thuế VAT 2% đáng lý ra có thể được điều chỉnh để giảm cho tất cả các mặt hàng từ 10% xuống 8%. Đối với chính sách giảm nộp thuế đến cuối năm 2024, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm 2025, đây là thời điểm "giáp hạt" đối với doanh nghiệp.

Đại biểu cho rằng, bài học rút ra sau khi thực hiện Nghị quyết 43 là tập trung vào tính khả thi và chọn thời điểm. Chính sách kinh tế vĩ mô có đặc điểm quan trọng là phải chọn đúng thời điểm, một chính sách đúng vào tháng 1 nhưng chưa chắc đã đúng vào tháng 3 khi diễn biến lạm phát, tăng trưởng đã khác. Do đó, nếu trong tương lai chúng ta lại có các chương trình gói hỗ trợ kinh tế vĩ mô phải cân nhắc rất kỹ về yếu tố thời điểm để đưa chính sách vào cuộc sống.

Theo đại biểu, nếu gặp tình huống cần chính sách hỗ trợ, việc đầu tiên cần nghĩ đến là giảm thuế, thậm chí có thể cân nhắc việc giảm thuế mức lớn hơn và cần tập trung vào một số ngành cụ thể.

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thànhSau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 43, các chỉ tiêu cơ bản hoàn thành

SKĐS - Ông Lê Quang Mạnh cho hay, sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43, nước ta đã từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động KT-XH; các chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 43 cơ bản hoàn thành.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn