Bổ sung mức giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu
Chiều 11/11, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giá (sửa đổi).
Đóng góp ý kiến giúp cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật Giá (sửa đổi), ĐBQH Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) nêu quan điểm, trong dự án Luật cần bổ sung việc đưa mức giá trần đối với các mặt hàng thiết yếu trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh. Về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cần có sự thẩm định sao cho phù hợp với thực tiễn.
Đại biểu cho biết, tại Điểm c, Khoản 2, Điều 7 dự thảo Luật quy định, nghiêm cấm lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, chính sách của nhà nước và điều kiện bất thường khác để tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với trước khi điều chỉnh giá.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội phân tích, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh COVID-19, có những thời điểm giá một số loại trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao, test kit, xét nghiệm khẩu trang tăng rất nhanh. Đại biểu cho rằng, trong nội dung điều khoản cần làm rõ khái niệm “không phù hợp” bởi thực tế, một số đoàn kiểm tra, thanh tra đã cảnh báo dấu hiệu vi phạm khi giá hàng hóa cao hơn giá nhập khẩu vài chục phần trăm.
Từ đó, đại biểu Hà cho rằng sẽ tạo ra tâm lý lo lắng cho các cơ sở y tế công lập khi phải mua trang thiết bị, sinh phẩm, vật tư phòng, chống dịch. Thậm chí, có những bên bán cũng không muốn tham gia giao dịch với các cơ sở y tế công lập, nhất vào thời điểm dịch bệnh bùng phát.
Trước thực tế trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà đề xuất Ban soạn thảo dự án Luật cân nhắc quy định cụ thể mức trần lợi nhuận trên giá vốn hoặc trên giá thành toàn bộ đối với các mặt hàng thiết yếu trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh và có thể xem đây như một biện pháp bình ổn giá có thời hạn để bổ sung vào Khoản 3 Điều 20 của dự án Luật.
Không thể kiểm soát giá mặt hàng y tế theo hàng hóa thông thường
ĐBQH Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) đề nghị áp dụng cách tính đặc thù đối với lĩnh vực y tế, không thể áp dụng cách tính như giá thông thường. Bởi theo bà Dung, dịch vụ y tế không lợi nhuận và không thể điều hòa, không thể kiểm soát được theo hàng hóa thông thường.
Bên cạnh đó, đại biểu Thu Dung đề nghị cần quy định rất rõ ràng cách tính giữa dịch vụ y tế công và dịch vụ y tế tư nhân, trong đó Bộ Y tế sẽ tính các gói dịch vụ y tế cơ bản và gói dịch vụ y tế nâng cao. Với dịch vụ y tế cơ bản, nhà nước đặt hàng, còn các dịch vụ y tế nâng cao tính giá trị ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tính giá trị thương hiệu vô hình, khi đó người dân có thể chọn dịch vụ này. Từ những phân tích ở trên, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chính sách áp dụng cách tính đặc thù trong lĩnh vực y tế.
Thảo luận tại phiên họp, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 dự thảo luật như sau "Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, y tế, kinh tế, quốc phòng - an ninh bao gồm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất lưu thông, sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người, nhu cầu phát triển kinh tế và quốc phòng - an ninh."
Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, về mối quan hệ của Luật giá (sửa đổi) và các Luật khác, hiện có 21 Luật có quy định về giá.
Để khắc phục những chồng chéo giữa các Luật chuyên ngành, tăng cường tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về giá, Luật giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện những vấn đề về giá; quy định thống nhất Danh mục hàng hóa.
Tuy nhiên, đối với một số mặt hàng đặc thù, chuyên ngành thì quy định rõ những vấn đề về nguyên tắc, phương pháp, quy trình định giá thực hiện theo quy định tại Luật chuyên ngành.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Đại án buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu: Ông “Trùm” khai “gửi nhờ” chỗ người tình 12 tỷ đồng