Hà Nội

ĐBQH đề nghị xây dựng đường sắt tốc độ cao chạy từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau

20-11-2024 18:52 | Thời sự
google news

SKĐS - ĐBQH Nguyễn Quốc Hận đề nghị phạm vi đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam điểm đầu là Lạng Sơn, điểm cuối là mũi Cà Mau.

Điểm đầu Lạng Sơn, điểm cuối mũi Cà Mau

Phát biểu tại phiên thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam, ĐBQH Nguyễn Quốc Hận – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau nhận định, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại là nền tảng của một nước công nghiệp hiện đại. Trong đó, đường sắt là phương thức giao thông quan trọng.

Đất nước ta trải dài từ Bắc đến Nam, bắt đầu từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau. Khu vực vùng núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long có thể gọi là "phên giậu" của quốc gia và hứng chịu nhiều "bão táp phong ba", đang gặp nhiều khó khăn, kinh tế chậm phát triển, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Quốc Hận, dù có nhiều tiềm năng nhưng với vị trí xa xôi, hẻo lánh, việc đi lại khó khăn nên dù "trải thảm đỏ" nhưng các nhà đầu tư cũng không mặn mà…

ĐBQH đề nghị xây dựng đường sắt tốc độ cao chạy từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau.

Từ những lý do trên, ĐBQH đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau đề nghị: "Phạm vi đầu tư của dự án thì điểm đầu là Lạng Sơn và điểm cuối là mũi Cà Mau. Nhưng do nguồn lực có hạn nên chúng ta có thể phân kỳ chia ra từng giai đoạn để đầu tư, như giai đoạn 2025-2035 đoạn Hà Nội – TP HCM, giai đoạn 2035-2040 các đoạn còn lại".

Cùng bày tỏ trăn trở đối với việc tăng kết nối giao thông đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long – ĐBQH Lý Tiết Hạnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Đình đề xuất: "Cần có tính toán mở rộng không gian phát triển của các ga đường sắt trung tâm tại 2 đầu Bắc – Nam".

ĐBQH đề nghị xây dựng đường sắt tốc độ cao chạy từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau- Ảnh 2.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Phân tích thêm, bà Lý Tiết Hạnh nói, đối với các tỉnh Nam Bộ, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm là Đồng bằng sông Cửu Long hạ tầng giao thông vẫn hạn chế. Hiện chúng ta đang phát triển công trình trọng điểm quốc gia nên phải tính toán làm sao giải quyết được bài toán khó khăn, điểm nghẽn này.

Vì vậy, đại biểu đề nghị: "Chúng ta có thể thiết kế hệ thống đường sắt kết nối tới trung tâm của vùng, kết nối với sân bay, cảng biển để khai thác tối đa hiệu quả của tuyến đường sắt này".

Đề xuất thêm 1 ga giữa Thanh Hóa và Nghệ An

Còn ĐBQH Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP HCM cho rằng, cần xác định rõ các tuyến đường ưu tiên đầu tư dựa trên mật độ dân cư, nhu cầu vận tải và tiềm năng phát triển kinh tế như tuyến Hà Nội - Vinh, TP HCM - Nha Trang và tiếp là TP HCM - Cần Thơ, rồi đến các tuyến khác.

ĐBQH đề nghị xây dựng đường sắt tốc độ cao chạy từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau- Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ - Đoàn ĐBQH TP. HCM.

"Mục tiêu của chúng ta là hướng đến một mạng lưới đường sắt tốc độ cao kết nối cả nước từ Bắc vào Nam, song song với việc phát triển các tuyến kết nối liên vùng. Đường sắt tốc độ cao không chỉ phục vụ giao thông mà còn là động lực để phát triển kinh tế vùng, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực phát triển và khu vực khó khăn. Vì vậy, cần đảm bảo tuyến đường sắt đi qua các khu vực kinh tế tiềm năng nhưng chưa được khai thác hiệu quả để kích thích phát triển", bà Nguyễn Thị Lệ nói.

ĐBQH đề nghị xây dựng đường sắt tốc độ cao chạy từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau- Ảnh 4.

Đại biểu Thái Thị An Chung - Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An phát biểu.

Trong khi đó, ĐBQH Thái Thị An Chung – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An lại đề nghị bổ sung thêm 1 ga hành khách đoạn giữa của tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Theo đại biểu, khoảng cách trung bình giữa các ga là 67km, tuy nhiên từ ga Thanh Hóa đến ga Vinh (Nghệ An) là 130km; 2 tỉnh trên có diện tích rộng và quy mô dân số đông; Nếu đặt thêm 1 ga tại TX Hoàng Mai hoặc TX Nghi Sơn còn thuận lợi khi kết nối với các cảng nước sâu.

Bên cạnh đó là việc đầu ga tại TX Hoàng Mai hoặc TX Nghi Sơn còn phù hợp với định hướng phát triển vùng và liên kết vùng mà các Nghị quyết của Đảng cũng như Nghị quyết về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

ĐBQH khao khát Việt Nam có đường sắt tốc độ cao trục Bắc – NamĐBQH khao khát Việt Nam có đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam

SKĐS - Phát biểu tại phiên thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam , ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho hay, bản thân được trải nghiệm đường sắt tốc độ cao ở Châu Âu nên rất khao khát Việt Nam có loại hình giao thông này.

Chiêm ngưỡng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua video thuyết minh trình chiếu tại Quốc hộiChiêm ngưỡng đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam qua video thuyết minh trình chiếu tại Quốc hội

SKĐS - Tuyến đường sắt tốc độ cao bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn