Cho ý kiến tại phiên thảo luận, ĐBQH Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH&XH, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh thống nhất với quy định về đối tượng chịu thuế TTĐB đối với thuốc lá; thống nhất với quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.
Bà Đỗ Thị Lan cho rằng, quy định như dự thảo Luật phù hợp với đối tượng chịu thuế đã quy định trong Luật Thuế TTĐB hiện hành, chỉ có thuốc lá điếu, xì gà và chế phẩm khác từ cây thuốc lá là đối tượng chịu thuế TTĐB và phù hợp với Nghị quyết 173 của Quốc hội.
Về thuế suất đối với mặt hàng thuốc lá, hiện còn có ý kiến khác nhau. Vì vậy, bà Đỗ Thị Lan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá 20 điếu và xì gà có trọng lượng 20 gam/điếu. Đối với các bao thuốc lá có số lượng khác với quy định trên thì giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết, sau khi báo cáo UBTVQH.

Toàn cảnh Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách lần thứ 7.
Về việc bổ sung phương pháp tính thuế tuyệt đối đối với thuốc lá, đại biểu thống nhất phương pháp tính thuế tuyệt đối đối với thuốc lá và lộ trình tăng thuế theo phương án 2 của dự thảo thảo Luật, vì các lý do đã được phân tích trong Báo cáo của Ủy ban Kinh tế và Ngân sách.
Về tổ chức thực hiện (Điều 12), dự thảo Luật có 2 phương án. Theo đó, phương án 2 bổ sung quy định: Trường hợp các sản phẩm thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hoặc văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, các sản phẩm thuốc lá mới sẽ thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB và áp dụng mức thuế TTĐB như mức thuế TTĐB quy định đối với mặt hàng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm và Giao Chính phủ quy định việc áp dụng thuế TTĐB cụ thể đối với từng loại sản phẩm thuốc lá mới trong trường hợp được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh.
Nữ đại biểu đề nghị không quy định như phương án 2 vì một số lý do: Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và Luật Thuế TTĐB hiện hành không quy định thuốc lá mới. Thuốc lá mới, bao gồm thuốc lá điện tử có tác hại nghiêm trọng đối với sức khoẻ của người sử dụng. Nhiều nước đã cấm mua bán, sử dụng một số loại số thuốc lá mới có chứa chất độc hại. Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội đã quy định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban VH&XH, việc giữ Điều 12 như phương án 2 của Dự thảo Luật và quan điểm của cơ quan soạn thảo là để bảo đảm xác lập căn cứ pháp lý đầy đủ để có thể triển khai thực hiện ngay trong trường hợp sản phẩm thuốc lá mới được phép nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam là không phù hợp với chủ trương của Đảng về chăm sóc sức khoẻ nhân dân; không phù hợp với nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản pháp luật được quy định tại Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và không thống nhất với quy định cấm thuốc lá điện tử thuốc lá nung nóng đã quy định tại Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội. Do đó, bà Đỗ Thị Lan đề nghị bỏ điều 12 của dự thảo luật.
Để thống nhất trong hệ thống pháp luật về thuốc lá và tạo cơ sở pháp lý về phòng chống tác hại của thuốc lá, đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc lá, quy định về thuế đối với thuốc lá và giải quyết các vấn đề liên quan đến thuốc lá, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.