Hà Nội

ĐBQH đề nghị có lộ trình khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng công an nhân dân

02-06-2023 16:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Ngày 2/6, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Nâng hạn tuổi sẽ cân đối, giảm gánh nặng cho quỹ BHXH

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Công an nhân dân. Một trong những nội dung sửa đổi của Luật là về hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân.

Theo đại biểu Đỗ Huy Khánh – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai, việc sửa đổi, bổ sung về hạn tuổi phục vụ của sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân sẽ có tác động tích cực đối với công tác nghiệp vụ của lực lượng công an nhân dân; tận dụng được nguồn lực chuyên sâu có nhiều kinh nghiệm trong phòng ngừa và đấu tranh các loại tội phạm; đồng thời nâng cao hạn tuổi phục vụ của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân sẽ giúp cân đối, giảm gánh nặng cho Quỹ BHXH.

ĐBQH đề nghị có lộ trình khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng công an nhân dân - Ảnh 1.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai.

Đại biểu Đỗ Huy Khánh làm rõ, hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan công an hiện nay ngoài việc thực hiện theo quy định chung của Luật Công an nhân dân, trong một số trường hợp đặc biệt còn thực hiện theo quy định của Đảng, Nhà nước, như tuổi nghỉ hưu của sĩ quan công an nhân dân là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, Luật Công an nhân dân năm 2018 chưa quy định cụ thể về kéo dài hạn tuổi đối với các trường hợp này nên chưa đảm bảo được sự đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước hiện hành. Do đó, việc bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ trong các trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định là cần thiết và phù hợp với thực tế.

ĐBQH đề nghị có lộ trình khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng công an nhân dân - Ảnh 2.

Các ĐBQH tham dự phiên thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân.

Cụ thể, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 1 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 30 Luật Công an nhân dân năm 2018 về hạn tuổi phục vụ theo hướng: công nhân công an: Nam 62, nữ 60 (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); Hạ sĩ quan: 47 (tăng 2 tuổi); Cấp úy: 55 (tăng 2 tuổi); Thiếu tá, Trung tá: nam 57, nữ 55 (tăng 2 tuổi cả nam và nữ); Thượng tá: nam 60, nữ 58 (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 3 tuổi); Đại tá: nam 62, nữ 60 (nam tăng 2 tuổi, nữ tăng 5 tuổi); Cấp tướng: nam 62, nữ 60 (nam tăng 2 tuổi, nữ giữ nguyên).

Trong khi đó, lộ trình tăng hạn tuổi phục cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam công nhân công an, đại tá và cấp tướng; và 4 tháng đối với nữ công nhân công an, thượng tá, đại tá. Các trường hợp còn lại thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất khi Luật này có hiệu lực thi hành…

Cần có lộ trình cụ thể, khoa học, hợp lý hơn

Đề nghị cần làm rõ vì sao lại có sự khác nhau trong lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất, ĐBQH Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đặt vấn đề liệu có bảo đảm tính công bằng và bình đẳng đối với đối tượng là nữ.

ĐBQH đề nghị có lộ trình khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng công an nhân dân - Ảnh 3.

ĐBQH Quàng Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên.

Theo đại biểu Nguyệt, chỉ nên quy định lộ trình tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất là mỗi năm tăng 3 tháng đối với nam, tăng 4 tháng đối với nữ và xác định thời điểm tăng hạn tuổi từ ngày mùng 1/1/2021 theo quy định của Bộ luật Lao động. Còn đối tượng cụ thể và lộ trình tăng tuổi cụ thể sẽ do Chính phủ quy định.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu tiếp tục tiến hành rà soát để thiết kế, sắp xếp, bố trí tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất với những nhóm đối tượng, lộ trình, thời điểm thực hiện khoa học hơn, hợp lý hơn. Các quy định cần bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động, bảo đảm dễ hiểu, dễ áp dụng, thống nhất trong nhận thức và triển khai thực hiện.

ĐBQH đề nghị có lộ trình khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng công an nhân dân - Ảnh 4.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, Bộ luật Lao động 2019 ra đời nâng mức tuổi nghỉ hưu theo lộ trình lên 62 đối với nam và 60 đối với nữ để vừa thu hẹp khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa 2 giới, vừa dự phòng sự thiếu hụt lao động trong tương lai do quá trình già hóa dân số, đồng thời đảm bảo nguồn lực trong một số quỹ an sinh xã hội.

ĐBQH đề nghị có lộ trình khi tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất trong lực lượng công an nhân dân - Ảnh 5.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Với tinh thần chung đó của bộ luật gốc, việc quy định nâng độ tuổi nghỉ hưu của lực lượng công an nhân dân là phù hợp. Dự thảo Luật cũng quy định sự chênh lệch 2 tuổi giữa nam và nữ làm việc trong lực lượng Công an nhân dân để đảm bảo thống nhất với Bộ luật Lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách giới. Tuy nhiên, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần tính toán đến đặc thù công việc khác nhau của các lực lượng thuộc ngành công an và phải có lộ trình cụ thể.

Bộ trưởng Bộ TT&TT: Sửa Luật Viễn thông để hình thành hạ tầng nền kinh tế sốBộ trưởng Bộ TT&TT: Sửa Luật Viễn thông để hình thành hạ tầng nền kinh tế số

SKĐS - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sửa đổi Luật Viễn thông nhằm khắc phục những vấn đề vướng mắc về thể chế, lỗ hổng chính sách, bất cập còn phù hợp với thế phát triển viễn thông, xu thế hội tụ, hình thành hạ tầng số - hạ tầng của nền kinh tế số.


Nhóm PVQH
Ý kiến của bạn