Bảo vệ quyền lợi người mua tốt hơn
So với luật hiện hành, dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) có một số điểm sửa đổi, bổ sung quy định nguyên tắc trong kinh doanh dịch vụ BĐS; nguyên tắc tổ chức và hoạt động của sàn giao dịch BĐS; các giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS; điều kiện đối với người quản lý, điều hành sàn giao dịch BĐS…
Quan tâm đến vấn đề này, ĐBQH Huỳnh Thị Phúc – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, cân nhắc kỹ lưỡng quy định về sàn giao dịch BĐS sau khi thực hiện khảo sát, đánh giá tác động. Từ đó tạo điều kiện cho các tổ chức không chỉ thuận lợi trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của sàn giao dịch BĐS mà còn đảm bảo tính chặt chẽ cũng như là cơ sở pháp lý cho tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động theo hướng phát triển chuyên nghiệp, an toàn.
ĐBQH Điểu Huỳnh Sang – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề nghị Ban soạn thảo làm rõ và quy định cụ thể hơn về sàn giao dịch BĐS, môi giới BĐS, về công chứng, đặt cọc, thanh toán trong giao dịch kinh doanh BĐS bảo đảm phù hợp lại chủ trương Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Đồng thời bảo đảm tính khả thi, an toàn pháp lý, không làm phát sinh điểm nghẽn về chính sách cản trở quá trình phát triển KT-XH, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của thị trường BĐS và phải phù hợp với Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
Đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về địa vị pháp lý cũng như điều kiện thành lập, nguyên tắc tổ chức, cơ chế hoạt động và nghĩa vụ của sàn giao dịch BĐS, bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, khuyến khích quyền lựa chọn tham gia giao dịch qua sàn giao dịch BĐS của doanh nghiệp và người dân.
Đồng thời đại biểu cho biết, cần quy định rõ hơn về mối quan hệ giữa xác nhận giao dịch qua sàn với công chứng và đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Quy định thêm về trách nhiệm của chủ đầu tư và sàn giao dịch BĐS để bảo đảm quyền lợi cho người mua.
Cần quy định chặt chẽ, bảo đảm tính khả thi
Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nêu quan điểm, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân, đề nghị tất cả các giao dịch BĐS có ít nhất một bên là cá nhân tham gia thì bắt buộc phải công chứng được quy định tại khoản 3 Điều 28 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và Điều 45 dự thảo Luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi). Các trường hợp giao dịch BĐS giữa các tổ chức với nhau thì có quyền lựa chọn giao dịch thông qua công chứng hoặc qua sàn giao dịch BĐS.
Còn ĐBQH Lã Thanh Tân - Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng cho rằng, việc quyết định giao dịch thông qua sàn giao dịch BĐS cần phải được phân tích sâu sắc, toàn diện các ưu điểm hạn chế tác động KT-XH, ảnh hưởng đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp và các đối tượng khác có liên quan, nhất là có liên quan đến các vấn đề đảm bảo công khai, minh bạch giá bán từ chủ đầu tư, giá qua sàn tránh thông đồng, nâng giá ảnh hưởng tới các quyền của người mua.
Đại biểu Lã Thanh Tân đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động của các phương án đảm bảo tính hợp lý, khả thi và đảm bảo phù hợp.
ĐBQH Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ việc quy định như dự thảo luật đặt ra rất nhiều băn khoăn khi bắt buộc giao dịch BĐS phải qua sàn. Đại biểu lý giải, quy định như vậy không chỉ xung đột trực tiếp với Điều 119 Bộ Luật Dân sự về hình thức của giao dịch dân sự mà còn tạo ra những rào cản khi phát sinh thêm thủ tục xác nhận qua sàn giao dịch, phát sinh thêm chi phí lớn cho giao dịch BĐS.
Bên cạnh đó, nữ đại biểu tỉnh Đắk Nông đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc các giao dịch phải thông qua sàn nhưng lại quy định luôn cả giao dịch thuộc diện khuyến khích.