Theo ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà, nhiều năm qua, tình trạng nguồn nước sông Cầu bị ô nhiễm rất nghiêm trọng. Nước nhuộm màu đen và hôi thối ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của cử tri và nhân dân một số huyện của tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh.
"ĐBQH tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng về vấn đề này tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV và Đoàn ĐBQH, UBND tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị đến Bộ TNMT. Bộ đã có chỉ đạo xem xét xử lý, đã đưa ra được một số giải pháp, song đến nay tình trạng này vẫn chưa được giải quyết", bà Đỗ Thị Việt Hà nói.
Trước thực trạng trên, bà Đỗ Thị Việt Hà đề nghị Bộ trưởng cho biết tình trạng ô nhiễm này có giải quyết được không? Nếu có thì Bộ trưởng có những giải pháp căn cơ nào để trong thời gian sớm nhất giải quyết được dứt điểm tình trạng này.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TNMT Đặng Quốc Khánh cho biết, Bộ đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ đề xuất các cấp thẩm quyền là cần có một Chương trình mục tiêu quốc gia để xử lý các "dòng sông chết". Đồng thời, xử lý ô nhiễm các dòng sông và xử lý về môi trường, rác thải và nước thải nói chung.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế, chính sách để có nguồn lực về xã hội hóa để kêu gọi các doanh nghiệp xử lý nước thải, rác thải, đặc biệt là nước thải. Gắn vào đó là việc cơ chế, chính sách của những cá nhân, tổ chức, đơn vị xả thải ra phải có tham gia đóng góp vào công cuộc xử lý nước thải. Tiếp tục công tác tuyên truyền, vận động từ nhân dân, các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn để đảm bảo lượng chất thải chúng ta kiểm soát được.
"Hiện nay chúng ta phải đề nghị các tỉnh có quy hoạch để di chuyển làng nghề và có các khu để thu gom, xử lý làng nghề thì chúng ta mới xử lý được dứt điểm và nguồn lực này cũng cần phải có NSTƯ, địa phương để thực hiện. Các tỉnh phải phối hợp với nhau", Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu.
Sau khi Bộ trưởng Bộ TNMT trả lời chất vấn xong, ĐBQH Đỗ Thị Việt Hà tiếp tục tranh luận và đề nghị Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh làm rõ thêm với vấn đề về tình trạng ô nhiễm rất nặng của nước sông Cầu.
"Cử tri và nhân dân tỉnh Bắc Giang rất quan tâm thực hiện các giải pháp đưa ra như thế nào. Vấn đề quan trọng nhất cử tri và nhân dân rất mong muốn Bộ trưởng trả lời là vì sao đến nay tình trạng này chưa được giải quyết và có được giải quyết hay không?", bà Đỗ Thị Việt Hà nêu.
Tiếp tục trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ TNMT nói: "Nguồn ô nhiễm là từ sông Ngũ Huyện Khê một ngày xả thải 15.000 m3 mà chưa được xử lý từ các cụm công nghiệp. Vừa qua Bộ TNMT đã thành lập tổ giám sát bảo vệ môi trường và đặc biệt là giám sát các hoạt động của cụm công nghiệp giấy Phong Khê. Trong đó lựa chọn 22 cơ sở giám sát trực tiếp và Bộ cũng đã đôn đốc tỉnh Bắc Ninh phối hợp với Bắc Giang chỉ đạo các sở có các giải pháp để xử lý liên quan đến làng giấy Phong Khê. Đến nay, tỉnh Bắc Ninh cũng đang giao Sở TNMT thành lập tổ giám sát môi trường để thực hiện".
Ông Đặng Quốc Khánh cũng thông tin thêm, Bộ TNMT cũng đã đề ra một số giải pháp như: Tập trung rà soát, xây dựng khu xử lý nước thải; tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức tham gia làng nghề có ý thức chung tay vì cộng đồng; huy động nguồn lực về ngân sách nhằm tách hệ thống thu gom, xử lý nước thải ở các khu, cụm công nghiệp, làng nghề.