Theo ông Lê Văn Cường, hệ thống y tế tư nhân đang phát triển mạnh mẽ, Nhà nước, Bộ Y tế có nhiều chính sách khuyến khích y tế tư nhân phát triển. Thời gian qua, cùng với hệ thống y tế công lập, hệ thống y tế tư nhân đóng vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Số giường bệnh nội trú của hệ thống y tế tư nhân chiếm khoảng 6%, dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngoại trú trong hệ thống y tế tư nhân chiếm tỷ lệ khá cao. Chất lượng khám bệnh, chữa bệnh ngày càng được nâng cao, trong đó tại Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, hệ thống y tế tư nhân đang cung cấp dịch vụ kỹ thuật cao.
Vị ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nhận định, dù vậy y tế tư nhân đang gặp không ít khó khăn, đặc biệt là nhân lực, trong khi tại các bệnh viện tư nhân, việc tự đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chưa dồi dào nên có sự dịch chuyển nhân lực từ hệ thống y tế công lập sang hệ thống y tế tư nhân, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Vì vậy, trong tương lai, để hệ thống y tế tư nhân phát triển, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, cần đầu tư về trang thiết bị, quản lý chất lượng, tập trung đào tạo, tự đào tạo nhân lực để có giải pháp bền vững và dài hạn hơn.
Đối với lo ngại của cử tri cho rằng, một số cơ sở y tế tư nhân đã tìm cách sử dụng nhiều dịch vụ để tăng nguồn thu, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, Bộ Y tế, BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan có nhiều biện pháp để phòng ngừa, phòng chống hiện tượng chỉ định vượt quá khả năng chi trả của người bệnh hoặc trục lợi, lạm dụng kỹ thuật xét nghiệm.
Qua khảo sát, giám sát, đại biểu nhận thấy có hiện tượng này ở một số nơi, do vậy ngành Y tế và các cơ quan liên quan đã tích cực ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thanh tra, kiểm tra để hạn chế tối đa hiện tượng này, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi khám bệnh, chữa bệnh, nhất là khám bệnh, chữa bệnh bằng BHYT ở các cơ sở y tế ngoài công lập.
Đại biểu Lê Văn Cường nhận định, để đạt tỷ lệ 15% giường bệnh trong hệ thống y tế tư nhân vào năm 2030 theo Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng gặp không ít khó khăn.
Bởi có thời gian qua hệ thống y tế tư nhân, đặc biệt là cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh nội trú phát triển rất mạnh nhưng thời gian tới, việc tiếp tục phát triển để đạt mục tiêu 15% giường bệnh nội trú trong hệ thống y tế tư nhân như Nghị quyết 20 đề ra là không dễ dàng.
Hệ thống y tế tư nhân có điểm mạnh đó là năng lực quản trị hiện đại và linh hoạt, vì vậy, đại biểu Lê Văn Cường cho rằng, hệ thống y tế tư nhân cần có chiến lược để phát triển bền vững, trong đó khó khăn nhất của hệ thống y tế tư nhân đó là nguồn nhân lực.
Cùng với đó, cần tập trung vào chất lượng của các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bên cạnh quan tâm đầu tư phát triển dịch vụ kỹ thuật cao. Cần quan tâm phát triển y tế cơ sở, kết nối với hệ thống y tế công lập để có sự hỗ trợ phát triển dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân. Đồng thời, nhà nước cũng cần nghiên cứu các chính sách phù hợp để y tế tư nhân phát triển bền vững.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, để y tế tư nhân ở Việt Nam tiếp tục phát triển cần giải quyết những vấn đề thuộc về chính sách, về cơ chế nhằm đảm bảo sự bình đẳng của y tế tư nhân với y tế công lập.
Đó là đảm bảo bình đẳng trong tiếp cận đất đai, nhà xưởng, địa điểm, nguồn bệnh nhân, thị trường, cơ chế giá hợp lý để phục vụ cho người bệnh. Việc ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh vừa được Quốc hội thông qua cần đảm bảo sự công bằng, đánh giá đúng sự đóng góp của y tế tư nhân, có như vậy, hệ thống y tế tư nhân sẽ phát triển tốt hơn trong thời gian tới.