Hà Nội

ĐBQH băn khoăn trước đề xuất khám, chữa bệnh y học gia đình, cấp cứu ngoại viện được hưởng BHYT

27-11-2023 15:19 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 27/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Tại phiên thảo luận, một số ĐBQH đã đóng góp ý kiến liên quan đến việc phát triển y tế Thủ đô và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

ĐBQH Trần Quốc Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nêu quan điểm, Luật BHYT hiện hành không quy định dịch vụ khám, chữa bệnh y học gia đình và cấp cứu ngoại viện thuộc phạm vi được hưởng BHYT. Trong khi đó, tại khoản 4, Điều 27 dự thảo luật lại cho phép sử dụng nguồn kinh phí của Quỹ BHYT để chi trả cho hoạt động dịch vụ này trên địa bàn thành phố là chưa bảo đảm nguyên tắc "mọi người dân đều được bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong tham gia BHYT" và thụ hưởng các dịch vụ y tế được xác định trong Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương.

Từ đó, đại biểu Trần Quốc Quân đề nghị nội dung này cần được nghiên cứu, cân nhắc và đánh giá tác động kỹ lưỡng, lường trước những tình huống, người dân sẽ sử dụng dịch vụ này nhiều hơn với tần suất lớn hơn trong tương lai và xu thế già hóa dân số, thay đổi quy mô bệnh tật, giá dịch vụ tăng hơn.

ĐBQH băn khoăn trước đề xuất khám, chữa bệnh y học gia đình, cấp cứu ngoại viện được hưởng BHYT- Ảnh 1.

Đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An.

"Đây không chỉ là vấn đề thực tiễn của riêng Hà Nội mà các vấn đề này cũng là vấn đề của các địa phương khác", ông Trần Quốc Quân nêu quan điểm.

Cùng nêu ý kiến về vấn đề này, ĐBQH Thích Thanh Quyết – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, tại khoản 1 Điều 27 dự thảo luật đã đề cập đến việc tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận với trình độ công nghệ cao. Song, đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể về những chính sách vượt trội, ưu tiên hơn trong quá trình phát triển y tế thủ đô để phát triển những trung tâm y khoa hiện đại, chất lượng cao mang tầm cỡ khu vực và thế giới.

ĐBQH Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm đối tượng là phụ nữ thuộc hộ cận nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% kinh phí BHYT, đồng thời chỉnh lý lại điểm a, khoản 3, Điều 28 như sau: "Hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện 100% đối với người thuộc hộ nghèo, tối thiểu 60% đối với người thuộc hộ cận nghèo, tối thiểu 20% đối với các đối tượng khác; hỗ trợ 100% kinh phí mua BHYT đối với người khuyết tật, người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, phụ nữ thuộc hộ nghèo, phụ nữ thuộc hộ dân tộc thiểu số".

ĐBQH băn khoăn trước đề xuất khám, chữa bệnh y học gia đình, cấp cứu ngoại viện được hưởng BHYT- Ảnh 2.

ĐBQH Tráng A Dương – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang.

Theo quy định tại Điều 27 của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, xây dựng hệ thống y tế Thủ đô tiên tiến và hiện đại phù hợp với quy mô dân số, địa bàn thực hiện. Tập trung phát triển một số lĩnh vực tiếp cận trình độ công nghệ thế giới. Nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, bảo đảm chăm sóc toàn diện sức khoẻ nhân dân. Phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện công lập và ngoài công lập.

Tại điểm 3, Điều 27 về "Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quy định", chế độ tài chính, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình; Mức giá dịch vụ cấp cứu ngoại viện; việc thanh toán dịch vụ y tế từ nguồn ngân sách địa phương của TP. Hà Nội, quỹ BHYT và nguồn thu từ người sử dụng dịch vụ cấp cứu ngoại viện;

Đặc biệt, tại điều này cũng đưa ra đề xuất: Trên cơ sở nguồn kinh phí BHYT được giao dự toán, UBND TP. Hà Nội quyết định việc sử dụng kinh phí BHYT để chi trả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, dịch vụ cấp cứu ngoại viện.

Hà Nội sẽ dùng kinh phí BHYT chi trả dịch vụ khám, chữa bệnh y học gia đình?Hà Nội sẽ dùng kinh phí BHYT chi trả dịch vụ khám, chữa bệnh y học gia đình?

SKĐS - Trên cơ sở nguồn kinh phí BHYT dự toán, UBND TP. Hà Nội quyết định việc sử dụng kinh phí BHYT để chi trả dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, dịch vụ cấp cứu ngoại viện.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn