Dạy văn, học văn và...

02-09-2019 13:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong việc dạy văn, học văn của ta ở các trường phổ thông, có chuyện lạ lùng này: Những học sinh giỏi văn, từng đoạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi văn toàn quốc, sau này ra trường, chẳng ai thành nhà văn, hay nhà phê bình nghiên cứu văn học.

Có người “lặn mất tăm” như người đó chưa từng có trên đời. Ngược lại, những nhà văn nổi tiếng, hồi đi học, chẳng có ai giỏi văn. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng có lần “khoe” với tôi và mấy giáo sư soạn sách giáo khoa, trong đó có các nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đăng Suyền, rằng “hồi đi học, tớ dốt văn lắm. Tớ chưa bao giờ được điểm 5/10 là điểm trung bình”. Nhà văn Lê Lựu cũng vậy. Tác phẩm của Lê Lựu đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Ở Mỹ, người ta còn gọi ông là “Hemingway của Việt Nam”. Như thế là họ đánh giá Lê Lựu rất cao. Vậy mà hồi còn đi học, Lê Lựu cũng chẳng có dấu hiệu gì để các thầy cô nhận ra anh có năng khiếu văn. Cụ Lê Huân, thầy dạy nhà văn Lê Lựu hồi học lớp 7, có lần bảo tôi:

- Mình không ngờ Lê Lựu lại có thể trở thành một nhà văn nổi tiếng. Thuở học mình, anh ấy dốt văn lắm. Có lần mình còn cho anh ấy điểm 2 văn...

Nhưng thôi. Đó là chuyện thời trẻ con của các nhà văn. Trẻ con thì có gì mà nói. Nhất quỷ nhì ma. Thứ ba học trò. Cái lũ cá biệt chỉ đứng sau ma với quỷ, có bị điểm kém văn cũng là chuyện thường tình. Nhưng khi đã thành nhà văn lớn, rất nổi tiếng rồi, mà vẫn còn bị điểm kém văn mới là chuyện lạ. Ấy là trường hợp nhà văn Nguyễn Khải. Đây không phải giai thoại, mà là chuyện thật. Thật 100%. Chính Nguyễn Khải đã kể cho tôi và Lê Lựu nghe. Thoạt đầu, tôi cứ tưởng ông đùa. Nhưng ông không đùa. Ông có thằng con trai đang học lớp 10. Lớp 10 tương đương lớp 12 bây giờ. Cô giáo ra đề văn cho học sinh luyện viết ở nhà. Đề văn phân tích tác phẩm Mùa lạc của Nguyễn Khải. Thế là “ông giời con” cứ năn nỉ nhờ bố làm hộ. Bố viết văn. Bố lại bình văn bố thì còn gì bằng. Trong đời mình, chưa bao giờ Nguyễn Khải sa vào trường hợp như vậy. Ông làm bài hộ con rồi hồi hộp chờ cô trả bài. Và kinh ngạc hơn cả ông là thằng con. Con đã phải cầu cứu bố, mà bố lại bị điểm 3 với lời phê, lời khẳng định rất “đanh thép” của cô: “Em không hiểu ý nhà văn!”.

Cách học văn hay dạy văn cho các em rõ ràng là  phải thay đổi... (Nhà thơ Trần Đăng Khoa).

Cách học văn hay dạy văn cho các em rõ ràng là  phải thay đổi... (Nhà thơ Trần Đăng Khoa).

Gần đây, bạn đọc cũng lại bất ngờ nữa khi nhà văn Di Li công bố học bạ của mình. Di Li là nhà văn nổi tiếng. Lại rất xinh đẹp. Cô đang là giảng viên tiếng Anh của Học viện Ngân hàng. Cô nói tiếng Anh rất điêu luyện, nhuần nhuyễn như tiếng mẹ đẻ. Cô từng giúp Hội Nhà văn phiên dịch và làm MC cho nhiều cuộc găp gỡ quốc tế. Để an ủi và cảm thông với các cháu không may mắn trong đường học hành, Di Li đã chụp từng trang học bạ hồi học phổ thông của mình đưa lên facebook. Bạn đọc không thể nhịn được cười khi biết nữ nhà văn nổi tiếng này, trước đây chỉ là học sinh trung bình yếu. Ngay cả hai mảng đã biến cô thành nhà văn, nhà dịch giả nổi tiếng, là văn và ngoại ngữ, cô cũng chỉ đạt điểm trung bình. Mà trung bình yếu.

Có phải Di Li kém không? Không! Rồi các cây bút bậc thầy như: Nguyễn Quang Sáng, Lê Lựu, Nguyễn Khải... Có phải ở lứa tuổi học trò, họ kém văn không? Không! Chắc chắn không! Văn kém thì làm sao thành nhà văn, nhất là nhà văn nổi tiếng được. Họ có thể bị thầy cô giáo của họ cho họ điểm văn kém, nhưng thực chất lực văn của họ không kém. Chỉ cần giải mã một điều nhỏ này thôi, cũng đủ cho ta nhận ra thực chất nền giáo dục của chúng ta mạnh yếu là như thế nào, là ở điểm nào, nếu như chúng ta trung thực và có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà.

Trong thực tiễn sáng tác, những người có năng khiếu văn thường có cá tính, có cách nghĩ ít nhiều riêng biệt, thậm chí có người rất riêng biệt. Họ không chịu tuân theo các khuôn mẫu khô cứng, nông cạn, đã trở thành mực thước, thành cái chuẩn để đo đếm của nhà trường. Đã thế, một số thầy cô giáo, tôi xin lỗi để được nói thật lòng, cũng khô cứng, thậm chí nông cạn, duy lý, giáo điều, làm cho những hạn chế trên có đất để phát triển thêm. Tôi nhớ một thầy giáo rất giỏi của tỉnh Hải Dương, đã dạy tôi rằng: Giặc Pháp muốn xóa bản đồ nước ta trên thế giới, nên đồng tiền mới có ký hiệu là $.

Mãi sau này, tôi mới biết đó là ký hiệu của đồng đôla Mỹ, có không biết từ thuở nảo thuở nào, chả liên quan gì đến việc Pháp xóa bỏ nước Việt Nam. Vậy mà tôi đã tin vào điều đó rất nhiều năm trời. Đấy chỉ là một ví dụ.

Trong cách tập làm văn mà tôi được đào luyện, nếu tả cảnh ngôi trường thì cứ phải tả “từ xa đến gần”. Anh bạn học thời phổ thông của tôi, nhà báo Trịnh Bá Ninh hồi ấy bảo: “Trường mình mà từ xa nhìn lại thì trông nó chẳng khác gì một cái trại chăn nuôi. Chả lẽ mình lại viết: Từ xa nhìn lại, ngôi trường của em như một cái chuồng bò”. Bài văn tả trường của tôi in trong tuyển tập văn hay dành cho  học sinh lớp 3 của Nhà xuất bản Giáo dục những năm 80, cũng có đoạn: “Từ xa nhìn lại, ngôi trường thân yêu của chúng em như một cái gọng bừa. Đến gần đó là ba căn nhà xinh xắn, mái ngói đỏ tươi”. Hình ảnh “cái gọng bừa” là câu văn cô giáo chữa cho tôi hồi học lớp 3. Và tôi cũng không biết ngôi trường mà lại như một cái gọng bừa thì có được đẹp không? Đoạn văn rất ấn tượng trong truyện ngắn Anh xẩm của nhà văn lớn Nguyễn Công Hoan, nếu đưa cô chấm, chắc chắn ông sẽ bị điểm 2 vì câu què, câu cụt:

“Từ chiều, lại bắt đầu trở rét.

Gió.

Mưa.

Não nùng.

Tôi ở đội tuyển văn của tỉnh, được tu luyện rất bài bản để thi học sinh giỏi toàn miền Bắc. Hồi đó chưa thống nhất đất nước. Tôi thi hai lần đều đoạt giải cao. Lớp 4 Giải Nhì. Lớp 7 Giải Nhất. Bài Giải Nhất với điểm tuyệt đối 20/20. Bài văn này còn được in trên trang 4 báo Nhân Dân năm 1972. Tôi đã mất gần 10 năm phấn đấu thuần thục mọi quy phạm để trở thành học sinh giỏi văn toàn miền Bắc và rồi cũng phải mất đến hơn 10 năm, mới có thể gỡ bỏ dần được những phụ tùng cồng kềnh mà nhà trường choàng khoác cho mình, để mình viết văn, thành một nhà văn. Một thầy giáo có công nhất với tôi, bây giờ tôi vẫn nhớ và biết ơn thầy, nhưng đấy chính là người, với tấm lòng rất chân thành, đã thắt buộc tôi nhiều nhất vào những công thức dớ dẩn, nhân danh sự anh minh của ngành giáo dục. Tôi hy vọng đó chỉ là chuyện riêng của mình, ở thời của mình. Còn bây giờ,  việc học văn dạy văn có còn tương tự như vậy không?

Cháu Nguyễn Bình, con trai út nhà phê bình Nguyễn Hòa, là một cậu bé khá đặc biệt. Năm lớp 4 cậu đã viết tiểu thuyết viễn tưởng trường thiên 8 tập Cuộc chiến ở hành tinh Phantom. Tôi và nhà văn Chu Lai đã viết Lời giới thiệu cho bộ sách này. Nguyễn Bình cũng có thể được xem như một hiện tượng văn học. Nhà phê bình Nguyễn Hòa bảo tôi: “Thằng con tôi lạ lắm ông ạ. Nó viết tiểu thuyết thì hùng hổ thế nhưng lại không biết tập làm văn. Cô giáo ra đề tả con chó mà nó cứ loay hoay mãi không làm được. Nó chẳng biết tả con chó thì phải tả như thế nào”.

Tôi nghĩ, cu cậu chưa quen, hoặc không chịu chấp nhận lối viết văn theo kiểu nhà trường. Thì cũng như Lê Lựu, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Khải hay Di Li sau này thôi. Có người quật lại tôi: “Vậy thế nào là văn nhà trường?”. “Muốn biết văn nhà trường như thế nào ư? Xin cứ đọc những bài văn mẫu dành cho học sinh bày bán la liệt trên thị trường sách”.

Bạn đọc từng dở cười dở khóc khi đọc những bài văn của học sinh từng được các phóng viên đưa lên báo giấy, báo mạng. Tiểu thuyết gia Nguyễn Bình không biết tả chó thì hãy tham khảo bạn bè tả chó đây này: “Nhà em có nuôi một con chó. Con chó nhà em có cái đầu như cái xô múc nước...”. Ở tuổi ấu thơ, tôi cũng đã tả chó. Nhưng tôi không thể hình dung được, cũng không biết ở góc nhìn nào mà em bé lại thấy đầu chó thành cái xô múc nước. Sau này có dịp gặp tác giả, tôi mới biết câu văn ấy là do cô giáo lấy ví dụ gợi ý. Cũng tương tự như vậy, một em tả ông ngoại còn kinh dị đến thế này: “Nhà em có nuôi một ông ngoại. Ông ngoại em có cái đầu trắng như đầu mèo”...

Vậy thực chất năng lực suy nghĩ của các em thế nào?

Tôi đã từng tham gia ban giám khảo nhiều cuộc thi dành cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở của báo Phụ nữ Thủ đô. Đây là sáng kiến của nhà thơ Hữu Việt và nhà thơ Giáng Vân. Báo Phụ nữ Thủ đô chỉ muốn hướng các em đến với việc đọc sách. Cuộc thi viết giới thiệu những cuốn sách mà các em yêu thích. Tôi đã mấy lần đọc thẩm định. Lần nào đọc cũng thấy có nét khám phá riêng. Cùng một cuốn sách nhưng mỗi em có một cách nhìn khác nhau. Đọc các em, tôi còn thấy hứng thú hơn nhiều, so với đọc những bài điểm sách của một số nhà phê bình, vì nó chung chung, cảm giác tác giả viết mà không hề đọc tác phẩm.

Tôi cũng may mắn hiểu được thực chất năng lực của các em khi tham gia làm giám khảo cuộc thi “Ý tưởng trẻ thơ” của các nhà sản xuất Honda Nhật Bản và cuộc thi Viết thư UPU của Liên đoàn Bưu chính Viễn thông quốc tế.

Trong khi chúng ta cứ ngô nghê hóa trẻ con, còn bạn bè quốc tế thì không như vậy. Họ rất tôn trọng con trẻ. Lắng nghe tiếng nói của con trẻ.  Ai cũng biết, nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc ở Việt Nam đều do lái xe say rượu hoặc nghiện ma túy. Các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra rất nhiều biện pháp ngăn cản, nhưng vẫn không triệt để. Đến các em, có em đề nghị sáng chế ra những chiếc xe có gắn một con chíp cảm biến. Cứ có hơi rượu hay ma túy là máy sẽ tắt. Sáng kiến này không khó biến thành hiện thực.

Trong cuộc thi viết thư UPU, với chủ đề: “Hãy tưởng tượng em là trợ lý của Tổng thư ký Liên hợp quốc. Với chức trách của mình, em thấy có vấn đề gì quan trọng của toàn cầu mà em cần gợi ý đề xuất để Tổng thư ký cần phải giải quyết trước tiên”. Vậy đấy, khỏi phải nói để hiểu trẻ em, phải coi trọng trẻ em và đặt chúng vào đúng tầm nghĩ của chúng. Hàng triệu các em học sinh tiểu học đã say mê bàn với Tổng thư ký Liên hợp quốc về những vấn đề nan giải của toàn cầu. Hóa ra các em không ngớ ngẩn, cũng không lủn mủn trẻ con như chúng ta nhầm tưởng.

Tôi còn nhớ mãi cuộc gặp gỡ với các em học sinh Trường đội Lê Duẩn. Hôm ấy, đến dự có Bộ trưởng Trần Thị Thanh Thanh, Thứ trưởng - nhà văn Phùng Ngọc Hùng, nhà thơ Định Hải, nhà văn Lê Phương Liên, nhà phê bình nghiên cứu Vân Thanh và đông đảo các phóng viên báo chí. Khác hoàn toàn với nhiều cuộc tiếp xúc của thiếu nhi, nhưng lại do người lớn tổ chức, chuẩn bị, các em chỉ thụ động đọc những bài diễn văn, những lời phát biểu cứng nhắc do người lớn viết hộ, ở đây, trong cuộc giao lưu này, các em tự tổ chức và tự điều hành. Không khí hội trường sinh động, tươi trẻ, linh hoạt và ấm nóng ngay từ giây phút đầu tiên. Các em đều nói vo. Hãy nghe  “Trong khi các cô bác cứ nói quan tâm đến thiếu nhi với bao nhiêu khẩu hiệu, mà khẩu hiệu nào nghe cũng hay: Trẻ em hôm nay - Thế giới ngày mai, rồi Tất cả vì tương lai con em chúng ta... Riêng cái quan niệm này, chúng cháu thấy có cái gì đó không được ổn lắm. Thậm chí rất “phản động”... Bởi các bác chỉ nghĩ đến tương lai mà không quan tâm đến hiện tại. Tương lai là cái còn rất mù mờ ở phía trước. Có khi tương lai đến, thì  chúng cháu cũng đã thành các cụ già rồi. Chúng cháu chỉ khát khao có chỗ để nhảy dây, có chỗ đánh bóng chuyền hay đá bóng. Phóng túng hơn nữa là thả diều. Trên thị trường diều được bán rất nhiều, đủ các kích cỡ, hình dáng. Các bác bán rất nhiều diều cho trẻ con để thu lãi, nhưng lại không cho trẻ con chỗ thả diều. Có bạn đành leo lên tầng thượng thả diều. Có bạn liều lĩnh đá bóng ngay trên đường phố. Đó là những việc làm vô cùng nguy hiểm. Có bạn ngã nhào từ tầng 5 xuống đất chết. Có bạn đá bóng dưới lòng đường bị xe cán gãy chân. Không biết các bác người lớn, nhất là các bác lãnh đạo có thấy đau lòng không? Cháu cũng không thực biết là như thế nào, bởi nếu các bác có đau lòng thật, thì chắc đến nay tình hình đã phải khác chứ.”

Một ý kiến khác: “Sao cháu thấy nhiều khẩu hiệu xanh đỏ căng ngoài đường thế: Hãy dành cho trẻ em những gì tốt nhất mình có...nhưng chẳng có cái gì. Vài cái kẹo đêm trung thu chăng?”. Vậy thì theo cháu cần phải làm thế nào? - Nhà báo Đặng Nam - Chủ nhiệm chương trình truyền hình “Vì trẻ thơ” - quay lại hỏi một cháu gái vừa đưa ra lời lý giải - Giả sử bây giờ, cháu không phải là Liên đội trưởng Đội thiếu niên Tiền phong mà lại là bà Chủ tịch thành phố, cháu sẽ “quy hoạch” thành phố của chúng ta như thế nào đây?”. “Trước hết, cháu sẽ xóa tất cả những căn nhà ổ chuột, những căn nhà mỏng dính, những căn nhà lô nhô cao thấp, cái thò ra, cái thụt vào, trông rất nhếch nhác, bẩn thỉu. Tất nhiên là phải tìm chỗ ở khác tốt hơn cho các chủ hộ, chứ không phải xua họ ra đường... Thành phố cần phải dựng lên nhiều nhà cao tầng như ở các nước tiên tiến... Nếu làm được thế, Hà Nội sẽ rất thoáng và rất hiện đại, nề nếp. Làm sao ở bất kỳ căn hộ nào, bật cửa sổ ra cũng thấy bóng cây xanh và công viên sinh thái. Đó là nơi vui chơi cho con trẻ, là chỗ đi dạo cho người già...”. Dĩ nhiên là tôi thuật lại sự việc tôi đã nghe từ các em ở những năm trước đây, bây giờ thì Hà Nội và nhiều thành phố khác đã có nhiều chung cư để tiết kiệm đất... “Nhiều bác nói làm cái này, cái kia là vì dân... nhưng cháu hiểu các bác ấy làm chỉ vì chính các bác ấy thôi. Đến cháu còn hiểu thế, thì sao lại nghĩ là bố mẹ cháu không hiểu. Cháu xem trên báo, cháu biết dân từng hiến vàng, hiến nhà cửa, có người còn hiến cả mấy cái biệt thự cực kỳ sang trọng cho Cách mạng. Vậy mà bây giờ, con cái họ, kiếm một chỗ ở thông thường cũng không xong.... Cháu nghĩ đất đai ở trong dân. Tiền bạc ở trong dân. Công sức cũng ở trong dân. Dân tin yêu, thực lòng ủng hộ thì mọi chuyện đã xong. Chúng cháu không tin vào những cái băng xanh băng đỏ căng đầy đường mà tin vào việc làm, vào cách ăn ở của những người nghĩ ra và đi căng những cái băng xanh đỏ đó cơ...”.

Đấy! Lý lẽ của trẻ em đấy. Người lớn chúng ta phải nghĩ sao đây? Vậy thì cách học văn hay dạy văn cho các em rõ ràng là phải thay đổi rồi. Hóa ra người lớn chúng ta đâu đã hiểu các em. Cũng đừng nghĩ trẻ con khôn trước tuổi. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, cậu bé 11 tuổi là Hoàng Hiếu Nhân đã từng diễn giải: “Các anh đừng nghĩ chúng em già khôn trước tuổi. Cái gì cần nhớ trước thì nhớ trước, có cái cũng cần nhưng để tính sau”.


Nhà thơ TRẦN ĐĂNG KHOA
Ý kiến của bạn