Thế nhưng, hôm mới rồi, cô giáo ra đề văn “Em hãy tả lại ngày chủ nhật ở nhà” và gợi ý thêm, nội dung bài viết phải nói rõ giúp bố mẹ rửa ấm chén như thế nào, tưới cây cảnh ra sao, rồi đến thăm ông nội, bà ngoại… Có lẽ thiếu thực tế, thằng cháu cắn bút, không biết tả thế nào. Thằng bé hỏi mẹ, hay chỉ viết ngủ một giấc thích ơi là thích, rồi cả chiều đá bóng với bạn ở sân khu tập thể. Mẹ cháu mắng át, làm bài không đúng ý cô thì một điểm. Để giúp con làm bài theo hướng dẫn của cô giáo, mẹ cháu phải đọc cho thằng bé chép. Đại loại ngày chủ nhật cháu rất chăm, rất ngoan, giúp bố mẹ rất nhiều việc, lại còn thu dọn góc học tập ngăn nắp, rồi quét nhà sạch sẽ… Có bài văn do mẹ đọc cho, thằng cháu đem khoe ông. Ông đọc rồi khen, cháu giỏi quá, vừa chăm vừa ngoan.
Thì ông phải khen thế, chứ biết làm sao. Khen mà trong bụng ông không vui, vì cái cách dạy con làm văn thế này là dạy trẻ con nói dối. Mẹ nói dối. Con nói dối và cô giáo cũng thích đọc những bài nói dối, rồi cho điểm cao. Dạy trẻ nói dối từ bé thì lớn lên chúng có đem theo cái tật không hay này không?
Từ việc nhỏ cụ thể và quen gặp này, thiết nghĩ, có lẽ ngành giáo dục và thầy cô nên xem lại cách ra đề, cách dạy văn sao cho các em học làm người trung thực, thật thà chứ không tập nói dối để lấy điểm.
Nhà vănHà Đình Cẩn