Hà Nội

Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân và cách đối phó với người lạ

15-06-2022 10:05 | Thời sự
google news

SKĐS - Mới đây, một học sinh lớp 5 tại TP.HCM bị người phụ nữ lạ mặt dụ dỗ chở đi khi vừa ra khỏi cổng trường và lấy hết đồ dùng giá trị mang theo. Qua sự việc này, cha mẹ cần lưu ý những biện pháp gì để phòng tránh các tình huống tương tự xảy ra?

Theo thông tin ban đầu, vụ việc xảy ra vào chiều 9/6. Khi vừa rời khỏi cổng Trường Tiểu học Trương Định (quận 10, TPHCM), một nữ sinh lớp 5 của trường này đã bị một người phụ nữ lạ mặt, xưng là phó hiệu trưởng một trường tiểu học khác đề nghị em lên xe để đi gặp giáo viên chủ nhiệm để thầy cô trao đổi việc học tập của em. Thấy phụ nữ này nói chuyện thuyết phục, nên học sinh này đã lên xe. Đi được một đoạn đường, người phụ nữ tự xưng là phó hiệu trưởng dừng xe, yêu cầu em viết những thứ em mang theo. Khi nữ sinh này đang viết thì người phụ nữ kia đã lục lọi, lấy các tài sản có giá trị trong cặp của em, và lột luôn nữ trang mà em đang đeo trên người.

Cuối cùng, em nữ sinh này được chở đến một trường tiểu học khác trên địa bàn quận 10, bảo rằng vào gặp thầy cô của em ở trong ngôi trường này. Sự việc chỉ được phát hiện, khi thầy cô giáo của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, quận 10 cho em nữ sinh này mượn điện thoại, gọi cho phụ huynh khóc kể sự việc. Lãnh đạo của cả hai trường đã cùng trao đổi với nhau, trấn an tinh thần nữ sinh và chờ phụ huynh đến đón về.

Dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ bản thân và cách ứng phó với người lạ - Ảnh 1.

Cần làm gì để phòng tránh các tình huống tương tự xảy ra?

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia tội phạm học (Bộ Công an), điều cốt lõi để bảo vệ trẻ em khỏi tình huống bị bắt cóc là việc giáo dục kỹ năng vì cha mẹ và người thân không thể lúc nào cũng ở bên để bảo vệ, trông coi trẻ. Việc xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành lên những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc, là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết.

Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết, cha mẹ hãy nói với trẻ về nạn bắt cóc và hậu quả của nó theo một cách dễ hiểu nhất; tạo cho trẻ ấn tượng rằng cần phải cảnh giác trước những gì không bình thường xảy ra với mình.

- Trẻ cũng cần được dạy để nhận biết "những người lạ có thể tin tưởng", gồm: thầy cô giáo, chú công an, chú bộ đội, bác bảo vệ cơ quan… để khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể trông cậy, nhờ vả.

- Cha mẹ cần dạy trẻ thuộc lòng họ tên, số điện thoại của cha mẹ, địa chỉ nhà của mình, nghề nghiệp của bố mẹ, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với "những người lạ có thể tin tưởng".

- Cần giáo dục trẻ không được nói chuyện, đi theo hoặc nhận đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của người lạ mặt. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho cha mẹ. Nếu bị người lạ kéo, dắt, lôi đi thì phải kêu gào, khóc thật to để gây sự chú ý cho những người xung quanh.

- Với trường hợp trẻ đã đến tuổi đi chơi với bạn bè mà không có sự giám sát của người lớn, cha mẹ hãy dặn trẻ luôn luôn để mắt tới nhóm bạn. Những kẻ bắt cóc thường nhắm mục tiêu khi trẻ đi một mình.

- Trường hợp trẻ sơ sinh hoặc dưới 6 tuổi, cha mẹ nên trông trẻ cẩn thận, tránh để trẻ tự ý ra ngoài mà không có sự giám sát của người thân. Đặc biệt, cha mẹ cần tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (facebook, zalo…) những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình. Bởi hiện nay tội phạm thường "tăm tia, săn mồi" ngay từ các trang facebook.

Chuyên gia tội phạm học phân tích: "Hành vi chiếm đoạt trẻ em có thể xảy ra ở bất cứ đâu, với bất kỳ gia đình nào, với trẻ em ở mọi lứa tuổi. Đối tượng gây án là bất kỳ ai, có thể là bạn bè, người thân của gia đình nạn nhân, người hiếm con…".

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, mỗi gia đình cần dạy trẻ những kỹ năng tự bảo vệ bản thân như:

  • Nhớ số điện thoại của cha mẹ;
  • Tuyệt đối không nhận đồ - đi theo - làm theo lời người lạ;
  • Khi người lạ đột nhập, tấn công, hãy ngoan ngoãn hợp tác và ưu tiên bảo đảm an toàn cho bản thân…

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, đối với trẻ em, dạy kỹ năng không thể chỉ dùng lý thuyết, cần cho con thực hành bằng các tình huống giả định. Thậm chí, cha mẹ có thể nhờ người "dụ dỗ" con, sau đó đưa ra bài học, phải biến mọi hoạt động của con thành ý thức, thói quen.

Ngoài ra, nhà trường phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ trẻ. Phụ huynh đưa đón con an toàn. Chính quyền địa phương phải hỗ trợ an ninh trên địa bàn. Cần nhiều lực lượng hỗ trợ mới bảo vệ được trẻ.

Nhiều vụ bạo hành trẻ em có sự dung túng, tiếp tay bởi người ruột thịtNhiều vụ bạo hành trẻ em có sự dung túng, tiếp tay bởi người ruột thịt

SKĐS - Theo ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn), nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Đáng lên án là nhiều vụ bạo hành nhưng có sự dung túng tiếp tay bởi chính những người ruột thịt.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn