1. Nguyên nhân dậy thì muộn
Dậy thì muộn ở trẻ là kết quả của sự chậm phát triển và có thể đến từ nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, thường gặp ở các tuổi trẻ vị thành niên có tiền sử gia đình bị chậm phát triển (đặc biệt là việc chậm phát triển liên quan đến sinh dục).
Dậy thì muộn ở trẻ có thể do một số nguyên nhân dưới đây:
- Rối loạn di truyền như hội chứng Klinefelter ở bé trai và Turner ở trẻ bé gái
- Bệnh lý ở hệ thần kinh trung ương như khối u ở tuyến yên, khối u dưới đồi..
- Các nguyên nhân làm suy tuyến sinh dục
- Ở bé trai có một số rối loạn tinh hoàn như xoắn tinh hoàn, nhiễm trùng do quai bị… Còn ở bé gái có thể do vấn đề ở buồng trứng.
- Bệnh lý tự miễn (tuyến giáp Hashimoto, Addison…) hoặc bệnh lý mạn tính(đái tháo đường không kiểm soát, bệnh thận, thiếu máu…)
- Hội chứng Kallman
- Rối loạn ăn uống hoặc suy dinh dưỡng
- Hoạt động thể chất quá mức ở trẻ em gái.
2. Dấu hiệu dậy thì muộn
Thông thường, trẻ dậy thì muộn vẫn trải qua quá trình phát triển tầm vóc bình thường nhưng có phần chậm hơn so với các bạn cùng trang lứa. Đến tuổi dậy thì, sự tăng trưởng ở trẻ sẽ bị trì hoãn, chiều cao bắt đầu giảm và có thể gây ra một số vấn đề về tâm lý xã hội cho trẻ.
Giai đoạn dậy thì là lúc trẻ phát triển sang người trưởng thành thường rơi vào độ tuổi từ 10-19 và được chia là 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: 10 -14 tuổi
- Giai đoạn 2: 14-16 tuổi
- Giai đoạn 3: 16-19 tuổi.

Dậy thì muộn ở trẻ là kết quả của sự chậm phát triển và có thể đến từ nhiều nguyên nhân.
Ở mỗi giai đoạn sẽ có những biểu hiện tâm sinh lý khác nhau. Biểu hiện của dậy thì muộn có thể được chia theo nhóm bé trai và bé gái:
Ở bé gái được xem là dậy thì muộn nếu có các dấu hiệu sau:
- Đến 12 hoặc 13 tuổi nhưng vú không phát triển
- >3 năm khi bắt đầu phát triển tuyến vú và có kinh
- Đến 15 tuổi nhưng không có kỳ kinh nguyệt
- Không có lông mu
Ở bé trai, dậy thì muộn được chẩn đoán xuất hiện các dấu hiệu sau:
- Năm 13-14 tuổi nhưng tinh hoàn không to
- Bộ phận sinh dục không phát triển hoàn chỉnh
- >4 năm từ khi phát triển và hoàn thiện bộ phận sinh dục
- Chưa có lông mu, lông nách, phần lông ở chân chưa dày và sậm màu. Không có dấu hiệu vỡ giọng
Các bác sĩ sẽ thông qua thăm khám lâm sàng để chẩn đoán dậy thì muộn ở trẻ bằng các phương pháp như: Chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm di truyền, xét nghiệm nội tiết…
3. Dậy thì muộn có lây không?
Dậy thì muộn không phải là bệnh lý lây truyền.

Chưa có lông mu, lông nách, phần lông ở chân chưa dày và sậm màu và không có dấu hiệu vỡ giọng có thể là biểu hiện của dậy thì muộn ở trẻ trai.
4. Phòng ngừa dậy thì muộn
Khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, cha mẹ cần có sự quan tâm đến sự phát triển về thể chất của trẻ. Giai đoạn dậy thì là lúc trẻ phát triển mạnh cả về chiều cao lẫn cân nặng, cha mẹ có thể nhận thấy rõ sự khác biệt về vóc dáng của trẻ. Thông thường bé gái sẽ dậy thì sớm hơn so với bé trai khoảng từ 1-2 năm. Nếu nhận thấy trẻ trong giai đoạn dậy thì có những bất thường về thể chất cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám sớm tại các cơ sở y tế chuyên khoa.
Đặc biệt với những gia đình có tiền sử dậy thì muộn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để các bác sĩ tư vấn và có hướng dẫn phòng ngừa tình trạng dậy thì muộn ở trẻ.
5. Điều trị dậy thì muộn
Dậy thì muộn tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng có thể ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ, gây ra sự tự ti và trong nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản về sau. Việc điều trị dậy thì muộn ở trẻ sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh và tùy từng mức độ bệnh ở trẻ. Dưới đây là một số phương pháp điều trị dậy thì muộn:
- Sử dụng hormone: Các loại hormone testosterone/ estrogen có thể điều trị trong thời gian ngắn hoặc dài phụ thuộc và từng đối tượng. Các bác sĩ sẽ thăm khám và đưa ra từng chỉ định cụ thể.
- Thay đổi chế độ sinh hoạt: Điều chỉnh chế độ ăn uống, tập luyện, sinh hoạt… cũng là cách để cải thiện tình trạng dậy thì muộn.