Năm nào cũng vậy, chuyện dạy thêm, học thêm vào những tháng đầu năm học lại rộ lên. Các nhà quản lý giáo dục từ Bộ tới các tỉnh thành, quận huyện luôn ban hành và nhắc nhở các biện pháp cấm dạy thêm, học thêm chẳng rõ thể hiện sự kiên quyết hay hình thức suốt bao nhiêu năm nay. Dư luận cũng lắm ý kiến trái chiều về vấn đề này.
Dạy thêm và học thêm về hình thức là khát vọng của giáo viên và học sinh muốn cung cấp và tiếp nhận thêm kiến thức, thật đáng cổ vũ và hoan nghênh! Nhưng dạy thêm và học thêm là một giải pháp trước chương trình giáo dục phổ thông quá nặng nề hiện nay lại là điều đáng bàn. Nó lại là một phương tiện tăng thu nhập cho một số giáo viên môn chính thì lại là điều đáng buồn.
Trước hết, khi phải “thêm” tức là “chưa đủ”. Chương trình giáo dục phổ thông, học phí do Bộ GD&ĐT và các cơ quan hữu quan ban hành và quy định với những bộ óc tầm quốc gia có tiếp thu kinh nghiệm quốc tế xây dựng hẳn không thể “thiếu”. Vậy sao bao năm nay, thực tế tại các trường phổ thông, nhất là tại các đô thị cứ phải “thêm”? Vì trình độ các thầy cô và học sinh quá kém không thể dạy và tiếp thu đủ trong giờ học chính khóa hay vì chương trình có vấn đề? Vì lý do nào thì ngành giáo dục cũng phải chịu trách nhiệm. Nhìn vào các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, dù ở thành thị hay nông thôn cũng đều thấy kết quả cao vòi vọi đáng mừng và các lớp dưới phần lớn xếp loại giỏi và khá, hầu như không có học sinh lưu ban cho ta thấy kết quả đó không hẳn từ việc dạy thêm, học thêm. Những mâu thuẫn trên cho thấy giáo dục nước ta đang có vấn đề! Hoặc là bệnh thành tích tạo ra giá trị ảo, hoặc là chất lượng đào tạo hiện nay quá kém mới phải “thêm” ngoài giờ để bổ sung vào chỗ thiếu hụt!
Rõ ràng chuyện dạy thêm, học thêm không phải để học sinh được lên lớp hay thi đỗ tốt nghiệp mà là chuẩn bị cho bước sau: hết THCS thi đỗ vào trường THPT, hết THPT thi được vào đại học. Theo logic này thì các trường phổ thông hiện nay không hoàn thành nhiệm vụ trong giờ chính khóa nên phải học thêm, dạy thêm để đáp ứng nhu cầu trên. Tôi không tin giáo viên và học sinh cả nước kém đến vậy! Vậy có phải do chương trình quá cao xa, thay đổi cải cách liên tục nên cha không dạy được con, anh không thể kèm được em?
Xóa học thêm, dạy thêm là trả lại tuổi thơ cho học trò. Không thể xóa bằng những công văn chỉ thị đầy hình thức mà phải bắt đầu từ gốc là chương trình sách giáo khoa phù hợp với tâm lý tuổi học trò cũng như trình độ giáo viên. Chương trình các lớp đầu cấp tiểu học chẳng hạn có cần những bài toán đố mẹo “nâng cao” không hay nên bớt để dành thời gian cho các em ngay trên giờ chính khóa tập viết chữ cho đẹp, biết thương yêu ông bà cha mẹ, hàng xóm. Hình như giáo dục tiểu học hiện nay nặng dạy chữ (quá mức cần thiết) hơn là dạy người! Cấp THCS cũng cần dạy kiến thức vừa đủ để các em có thể chọn nghề và định hướng nghề nghiệp cho các em. Những học sinh năng lực yếu có nhất thiết phải học tiếp THPT không hay tốt nghiệp cấp II xong có thể đi học nghề để tiết kiệm thời gian và kinh phí? Không phải ai tốt nghiệp THPT là đều vào đại học, vậy khi làm công nhân may, xây dựng hay lao động giản đơn có cần phải biết những kiến thức nâng cao quá hàn lâm như hiện nay.
Xóa dạy thêm, học thêm trước hết phải xóa tư tưởng khoa bảng để đất nước lắm “thầy” (nhiều khi dỏm vì bệnh thành tích) mà thiếu “thợ”. Xóa luôn cả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, giao cho nhà trường đánh giá và xét tốt nghiệp sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Có lẽ nên chỉ còn kỳ thi ĐH-CĐ, thi vào các trường dạy nghề để chọn người có khả năng ngành nghề đặng đào tạo nhân lực lao động bậc cao cho xã hội.
Còn như GD-ĐT lại mang yếu tố kinh doanh với đủ chiêu đánh đố để tiếp tục phải học thêm, dạy thêm thì lại là chuyện khác, khó có thể bàn!
Lê Quý Hiền