1. Cách nhận biết dày sừng nang lông
Dày sừng nang lông có các biểu hiện đặc trưng là các sẩn màu đỏ, màu da hay màu nâu ở vị trí nang lông, tạo thành các sẩn sừng nhô lên khỏi bề mặt da, làm cho da thô ráp, sần sùi. Các tổn thương da thường phân bố đối xứng, không đau nhưng ngứa ngáy, khó chịu.
Các vị trí dễ bị dày sừng nang lông: Hai bên đùi, cánh tay, mông.
Tình trạng da bị dày sừng nang lông là do keratin tích tụ. Keratin là một loại protein cứng, tập trung nhiều ở lông và tóc. Bình thường protein này có vai trò bảo vệ da, tóc trước những tác nhân gây nhiễm trùng và các chất có hại. Nhưng khi keratin tích tụ quá nhiều tại lỗ chân lông sẽ khiến tế bào chết tích tụ lại, từ đó tạo ra tình trạng dày sừng nang lông.
Đến nay, nguyên nhân khiến keratin tích tụ dưới da, gây dày sừng nang lông vẫn chưa được biết rõ, nhưng có một số yếu tố sau làm gia tăng nguy cơ bệnh:
- Di truyền.
- Thuộc type da khô.
- Mắc bệnh hen suyễn.
- Thừa cân, béo phì.
- Mắc bệnh viêm da cơ địa.
- Vệ sinh cơ thể không sạch sẽ.
2. Điều trị dày sừng nang lông thế nào?
Đây là bệnh không gây tổn hại đến sức khỏe, do đó không nhất thiết cần phải điều trị. Tuy nhiên, tình trạng này gây mất thẩm mỹ da và có triệu chứng ngứa ngáy, do đó, có thể áp dụng một số biện pháp khắc phục dưới đây:
2.1. Giữ ẩm cho da
Do tình trạng dày sừng có thể nghiêm trọng hơn nếu da thuộc type da khô, nên giữ ẩm cho da là bước quan trọng nhất trong quá trình điều trị dày sừng nang lông. Các loại kem dưỡng ẩm có tác dụng làm mềm các nốt sần, giúp da ngậm nước và làm dịu nhanh những cơn ngứa.
Trường hợp nhẹ có thể dùng kem dưỡng ẩm làm mềm da loại phổ thông, ngày 2 lần.
Khi tình trạng dày sừng nang lông mức độ trung bình đến tăng sắc tố da, có thể lựa chọn ưu tiên loại dưỡng ẩm chứa ure (trên nhãn mác có ghi thành phần urea 5% hoặc 10%). Nên dùng kem dưỡng ẩm ít nhất 2 lần mỗi ngày: Sáng 1 lần và ngay sau tắm buổi chiều tối 1 lần. Thời điểm sau khi tắm xong thoa kem dưỡng ẩm sẽ mang lại hiệu quả cao nhất, vì lúc này da vẫn còn ẩm, lỗ chân lông đang giãn nở nên dễ hấp thụ các thành phần trong kem dưỡng ẩm.
Lưu ý: Tránh tắm lâu bằng nước nóng và không nên dùng xà phòng/sữa tắm có tính tẩy rửa mạnh.
2.2. Kem tẩy tế bào chết
Dày sừng nang lông do quá trình tích tụ tế bào chết tại nang lông không được đào thải, do đó việc sử dụng kem tẩy da chết mỗi tuần 1 lần là bước rất quan trọng trong quá trình điều trị. Việc tẩy da chết sẽ giúp làm sạch các tế bào tích tụ ở lỗ chân lông, làm giảm bớt tình trạng thô ráp, sần sùi.
Có thể tẩy da chết bằng biện pháp vật lý: Dùng dụng cụ như đá cuội (có bề mặt nhẵn nhụi để tránh gây tổn thương da trong quá trình chà xát); bông tắm chuyên dụng… chà xát nhẹ trên da mỗi khi tắm. Lưu ý, nên làm ẩm da trước khi sử dụng phương pháp này.
Việc tẩy da chết bằng phương pháp hóa học tùy thuộc tình trạng dày sừng. Trường hợp nhẹ, nên sử dụng kem tẩy tế bào chết, chứa các thành phần: acid lactic, acid alpha-hydroxy, acid salicylic, kem urê (tùy tình trạng có thể sử dụng hàm lượng 10, 20, 40%).
Trường hợp nặng hơn có thể dùng kem bôi có steroid (triamcinolone 0,1%, locoid lipocream); các sản phẩm acid retinoic như tretinoin (retin-A), adapalene... Quá trình sử dụng các kem bôi này cần theo dõi mức độ và đáp ứng điều trị cũng như khả năng gây tương tác thuốc, tác dụng phụ của thuốc...
Nên thoa thuốc vào vùng da bị ảnh hưởng 2-3 lần mỗi ngày. Các sản phẩm này có thể gây tình trạng kích ứng, châm chích hoặc mẩn đỏ trên da, do đó không nên dùng cho người da nhạy cảm.
2.3. Kem làm mờ thâm
Khi tình trạng dày sừng nang lông dẫn đến thay đổi tăng sắc tố trên da, có thể được điều trị bằng các loại kem làm mờ dần vết thâm như hydroquinone 4% và acid azelaic 15-20%. Nếu có tình trạng kháng thuốc hoặc sau khi thoa thuốc nổi mẩn đỏ, có thể thoa kem tacrolimus (0,01%, 0,03%...).
Để làm giảm tình trạng keratin tích tụ gây nút tắc nang lông, có thể bôi kem retinoid. Da bị viêm đỏ, sần nhiều thì có thể dùng kem chứa corticoid. Tuy nhiên những loại thuốc này cần có chỉ định của bác sĩ và chỉ sử dụng trong thời gian ngắn để tránh tác dụng phụ.
Ngoài các loại kem/thuốc bôi nêu trên, thì phương pháp điều trị dày sừng nang lông bằng laser có thể áp dụng cho trường hợp nghiêm trọng; không thuyên giảm sau khi đã chữa bằng thuốc bôi và kem dưỡng ẩm.
3. Chăm sóc da khi bị dày sừng nang lông
Việc điều trị dày sừng nang lông chỉ giúp bệnh thuyên giảm chứ không dứt điểm được. Do đó rất cần có sự kiên nhẫn của người bệnh. Không những thế, việc chăm sóc da để ngừa bệnh tái phát quan trọng không kém so với việc điều trị.
Người bệnh cần lưu ý những vấn đề sau trong sinh hoạt:
- Chỉ nên tắm nước ấm, không tắm nước quá nóng với xà phòng dịu nhẹ, không hương liệu; không nên tắm, ngâm nước quá lâu (dưới 20 phút) để da không bị khô. Không chà xát da quá mạnh.
- Sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết đúng loại, đúng cách.
- Dưỡng ẩm da thường xuyên.
- Mặc quần áo thoải mái, chất liệu thoáng, thấm hút mồ hôi.
- Sử dụng kem chống nắng phù hợp với type da. Bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời.
Mời độc giả xem thêm video:
Cách điều trị nám da.